Kênh chia sẻ tin tức nhanh chóng và tin cậy cho bà con

Tân Lễ nằm ở ngã ba sông Luộc và sông Hồng (tên gọi cổ của ngã ba này là cửa Tuần Vườn), giáp ranh với tỉnh Hưng Yên (ranh giới là sông Luộc) và Hà Nam (ranh giới là sông Hồng), là xã đầu tỉnh ở phía tây bắc của tỉnh Thái Bình. Phía Nam và Đông Nam Tân Lễ giáp xã Phú Sơn (tức là thị trấn Hưng Nhân hiện nay), phía Đông là xã Canh Tân, là các xã cùng huyện. Phía Bắc giáp các xã Đức Thắng, Hải Triều, Thiện Phiến của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, phía Tây Bắc và Tây là các xã Thủ Sĩ, Tân Hưng của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên. Phía Tây Nam, Tân Lễ giáp xã Chân Lý huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Tân Lễ có quốc lộ 39 chạy ngang qua, với Cầu Triều Dương bắc qua sông Luộc nối Thái Bình với Hưng Yên. Ngày 23 tháng 2 năm 1977, hợp nhất 2 xã Phạm Lễ và xã Tân Mỹ thành xã Tân Lễ, tên Tân Lễ được ghép từ chữ Tân (trong từ Tân Mỹ) và Lễ (trong từ Phạm Lễ) Làng Hải Triều (tức làng Hới) là một làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghề làm chiếu Hới. Chiếu Hới còn gọi là chiếu Hưng Nhân theo tên huyện cũ, là chiếu Hưng Hà theo tên huyện mới. sản phẩm chiếu dệt thủ công của làng Hới từ lâu đã trở thành một sản phẩm tiêu biểu không chỉ của một địa phương nhỏ, mà của cả một tỉnh nông nghiệp loại lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ và lưu vực sông Hồng. Nghề dệt chiếu Hới thịnh đạt lúc bấy giờ là nhờ công lao của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Hải Triều là quê hương của những danh nhân Nguyễn Thị Lộ (vợ Nguyễn Trãi, nên duyên với Nguyễn Trãi nhờ đi bán chiếu tại Thăng Long) và trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (Trạng Chiếu)...
  • Khái quát chung về xã Tân Lễ

    Tân Lễ nằm ở ngã ba sông Luộc và sông Hồng (tên gọi cổ của ngã ba này là cửa Tuần Vườn), giáp ranh với tỉnh Hưng Yên (ranh giới là sông Luộc) và Hà Nam (ranh giới là sông Hồng).

  • Giới thiệu trường THCS Phạm Đôn Lễ

    Trường THCS Tân Lễ được thành lập năm 1967 theo quyết định của UBND huyện Hưng Hà do hai trường PTCS Tân Mỹ và PTCS Phạm Lễ hợp thành, lúc đó trường có tên là trường PTCS Tân Lễ. Năm 1993 trường được tách ra từ trường PTCS Tân Lễ.

  • Giới thiệu làng Hới

    Chiếu Hới còn gọi là chiếu Hưng Nhân theo tên huyện cũ, là chiếu Hưng Hà theo tên huyện mới, và chiếu Thái Bình (tên tỉnh). sản phẩm chiếu dệt thủ công của làng Hới từ lâu đã trở thành một sản phẩm tiêu biểu không chỉ của một địa phương nhỏ, mà của cả một tỉnh nông nghiệp loại lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ và lưu vực sông Hồng.

  • Giới thiệu tam nguyên - trạng nguyên Phạm Đôn Lễ

    Phạm Đôn Lễ (1457-1531) đỗ Trạng nguyên năm 1481 đời vua Lê Thánh Tông. Ông cũng đỗ đầu cả kỳ thi Hương, thi Hội nên được coi là vị Tam nguyên đầu tiên của lịch sử khoa bảng Việt Nam. Ông làm quan đến Tả thị lang, Thượng thư.

  • Giới thiệu lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ

    Nguyễn Thị Lộ (1400 -1442), là vợ thứ của danh thần Nguyễn Trãi và là một nữ quan nhà Lê trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi bà từ lâu đã gắn liền với vụ thảm án Lệ Chi Viên xảy ra vào năm Nhâm Tuất (1422), dẫn đến cái chết của vợ chồng bà và cái án tru di tam tộc.

Showing posts with label chieu. Show all posts
Showing posts with label chieu. Show all posts

Friday, March 18, 2016

Giữ nghề dệt chiếu cho làng

Người làng Hới tự hào khi có trong tay nhiều ngón nghề độc mà không ở đâu có được. Những độc chiêu đó, qua khung cửi thâu mành đã cho ra chiếu cải, chiếu đậu, chiếu đót, chiếu trơn, chiếu cạp điều, sợi xe, chiếu nẩy...
Công đoạn tạo hình trên mặt chiếu đòi hỏi kỹ thuật cao.
Người dân quảng bá làng nghề
“Dệt chiếu cói phải là cói được trau kỹ lưỡng, lựa từng sợi mảnh thanh, dẻo dai. Có như thế khi lên tấm, chiếu mới trắng, bóng mượt. Người sành sỏi, khi mua chiếu Hới về dùng, phơi qua sương trời một đêm thì càng dùng chiếu càng óng vàng, không bị mốc”. Đó là lời giới thiệu của ông Trần Văn Tú (thôn Hải Triều) khi mới gặp chúng tôi. Theo ông Tú thì đó cũng là cách quảng bá làng nghề với khách viếng thăm.
Trong tiếng máy sợi rộn rã khắp vùng, chúng tôi được ông Tú và những nghệ nhân làng chiếu kể về nguồn cội của làng. Chiếu cói làng Hới có từ thế kỷ thứ X, do Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (người làng Hải Triều) học ở bên Tàu về dạy lại dân làng. Qua nghìn năm, dù cuộc sống dâu bể thăng trầm nhưng mảnh chiếu làng Hới vẫn thế. Có chăng là sự đổi thay về cách làm chiếu bằng máy móc để thay thế công sức con người.
Ông Đoàn Minh Tới - chủ hộ làm chiếu truyền thống thôn Bùi Xá tâm sự: "Ngày trước, khi chưa có máy, để làm ra một tấm chiếu phải mất 2 thợ làm trong 4 ngày, có khi mất cả tuần mới xong một tấm vừa lòng những vị khách kén chọn". Kỹ thuật dệt chiếu truyền thống được lưu truyền đến ngày nay đã tạo nên nét đẹp vốn có của chiếu làng Hới. Mặc dù chiếu cói dệt bằng máy, nhưng chiếu Hới luôn có giá bán cao hơn so với các loại chiếu khác.
Xã Tân Lễ có gần 3.200 hộ thì 75% hộ làm nghề dệt chiếu, mỗi năm xuất ra thị trường hàng triệu chiếc chiếu. Giá cả luôn ổn định từ 150.000-300.000 đồng/chiếc. Chiếu Hới có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Nguồn thu từ bán chiếu đã làm làng quê dần thay da đổi thịt...
Đổi mới cách làm, không đổi cái tâm
Giờ đây về Tân Lễ, khó gặp cảnh những người ngồi đan chiếu, thay vào đó là máy móc, công nghệ tiên tiến. Số lượng chiếu làm ra ngày một nhiều, sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng so với dệt truyền thống không thua kém là mấy.
Anh Phan Văn Sính (thôn Cầu Hà) là một trong những hộ đầu tiên trong xã đưa máy móc vào làm chiếu. Gia đình anh Sính hiện có 6 đầu máy. Mỗi ngày xưởng dệt của anh cho ra lò hơn 100 chiếc chiếu, giá bán 180.000 đồng/chiếu, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 10 người trong thôn. Theo anh Sính, đầu tư cho làm chiếu thấp hơn so với trồng lúa, chăn nuôi, lại tranh thủ được nhân công lúc nông nhàn.
“Hiện nay tuy nhiều loại chiếu nhựa, chiếu mành, nhưng chiếu cói làng Hới vẫn đứng vững trên thị trường”.
Kế xưởng dệt nhà anh Sính là xưởng dệt nhà ông Nguyễn Văn Sanh (thôn Vân Nam) có 15 đầu máy với hơn 40 công nhân. Mỗi ngày gia đình ông xuất đi Lai Châu, Điện Biên hơn 500 đầu chiếu. Ông Sanh tâm sự: "Gia đình tôi đã có 20 năm làm chiếu truyền thống, 5 năm đứng máy. Từ ngày có máy móc đã giảm được đáng kể chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu về 600 triệu đồng lãi".
Không chỉ gia đình anh Sính, ông Sanh thành công trong việc giữ gìn nghề truyền thống mà rất nhiều hộ ở Tân Lễ đang giữ nghề. Những đứa trẻ ở Tân Lễ lên 7, lên 8 đã biết lựa sợi, chuốt đay. Đó là những mầm xanh giữ lại ngón nghề ngàn tuổi mà tổ nghề đã ban cho.
Share:

Tuesday, December 8, 2015

Năng động nghề dệt chiếu Tân Lễ


Hiện chiếu Hới có rất nhiều loại: chiếu cài hoa, chiếu đậu, chiếu dặm, chiếu cạp điều, chiếu đót, chiếu sợi xe… với nhiều kích cỡ khác nhau. Ông Hà Đắc Đĩnh- một hộ dệt chiếu có tiếng của xã cho biết: ‘Một số loại chiếu đặc biệt, chúng tôi chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng. Chẳng hạn, chiếu đậu, chiếu sợi xe dệt dày, tẩy trắng, đay vê săn chắc, nằm mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Một chiếc chiếu đậu có thể nặng tới 10kg. Chiếu cói hoa được dệt theo hình những bông hoa nhỏ li ti, đan lại rất tinh xảo lại in thêm hình rồng, phượng… Xưa, chiếu này được đem vào cung tiến vua. Giá của hai loại chiếu nói trên khá cao, từ 80.000đ đến 180.000đ/chiếc. Dệt một chiếc chiếu như vậy cần tới hai lao động làm việc miệt mài cả tuần lễ’.

Từ xa xưa chiếu Hới (xã Tân Lễ-huyện Hưng Hà) đã nổi tiếng trong và ngoài tỉnh với những lá chiếu bóng bẩy mượt mà. Ngày nay, cơ chế thị trường mở ra, mặc dù phải cạnh tranh với nhiều loại chiếu, nhất là chiếu trúc của Trung Quốc song chiếu Hới vẫn đững vững và phát triển nhờ sự năng động của làng nghề, sản phẩm hàng hoá được đa dạng về mẫu mã, giá cả, những doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất mang tính ‘chuyên nghiệp’ thành lập ngày một nhiều. Nghề dệt chiếu đang là hướng làm giàu của nhiều hộ gia đình nơi đây.



NÉT ĐẸP LÀNG CHIẾU
Vừa đến đầu làng cảnh tượng đầu tiên chúng tôi gặp những xe trở hàng ra vào tất bật, mùi cói thơm nồng được phơi khắp ngoài sân, ven đường. Tân Lễ đang từng ngày thay da đổi thịt, đường thôn, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, những ngôi nhà cao tầng đang mọc lên san sát, thu nhập bình quân đầu người đạt hn 5 triệu đồng/ người/ năm, người dân trong xã không còn phải tất bật lo toan về miếng cơm manh áo hàng ngày. Có được cuộc sống sung túc như ngày nay là do người dân Tân Lễ đã biết kết hợp lao động nông nghiệp với làm nghề thủ công truyền thống.
Theo những người cao tuổi trong làng kể lại, nghề dệt chiếu Hới có từ thời Tiền Lê (thế kỷ X-XI), rồi phát triển mạnh vào thời Hậu Lê (thế kỷ XV). Nghề dệt chiếu Hới thịnh đạt lúc bấy giờ là nhờ công lao của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ – Ông người làng Hải Triều, huyện Ngự Thiêm, phủ Tân Hưng (nay là huyện Hưng Hà). Ông thi đỗ Trạng nguyên khoa thi Tân Sửu, niêu hiệu Hồng Đức năm thứ 12 làm quan tới chức Thượng thư. Khi ông lớn lên, làng Hới đã có nghề dệt chiếu từ lâu. Nhưng chiếu dệt khung đứng, không có ngựa đỡ sợi nên chiếu không đẹp. Đi sứ sang Trung Quốc, khi qua vùng Ngọc Hà, Châu Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Phạm Đôn Lễ đã tìm hiểu và học được bí quyết kỹ thuật dệt chiếu của người Trung Quốc. Đó là kỹ thuật dệt khung nằm, có ngựa đỡ sợi dọc, làm cho sợi đay căng, chao cói nhanh hơn và chiếu đẹp hơn. Ông đã phổ biến kinh nghiệm và kỹ thuật dệt mới cho nhân dân. Ông cho cải tiến khung dệt. Nhờ vậy, chiếu Hới đẹp hơn và nổi tiếng từ đó. Dân làng tôn ông là ông Tổ nghề dệt chiếu, gọi ông là ‘Trạng Chiếu’ và lập đền thờ sau khi ông mất; đền thờ Phạm Trạng Nguyên.
Thời đó sản phẩm chiếu dệt thủ công của làng Hới là niềm tự hào của người dân nơi đây, với câu phương ngôn: ‘Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới’. Bởi chiếu Hới không chỉ đẹp, bền mà còn có thể dùng đắp thay chăn, vào mùa đông. Nhưng cũng khác với nhiều làng nghề Việt Nam, ở Hới chưa có gia đình nào thoát ly hẳn sản xuất nông nghiệp. Người ta vừa dệt chiếu vừa làm nông nghiệp.



LÀNG DỆT CHIẾU THỜI CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG
Bước vào thời kỳ cơ chế thị trường nhiều người lo ngại nghề dệt chiếu Tân Lễ sẽ mai một như làng nghề đúc đồng An Lộng (huyện Quỳnh Phụ) song chiếu Hới vẫn đứng vững và ngày một khẳng định thương hiệu của mình. Sản phẩm làm ra được xuất đi khắp các tỉnh trong cả nước. Sản xuất mang tính chuyên nghiệp hơn. Nhiều doanh nghiệp được thành lập chuyên đứng ra thu mua nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho người dân, chợ chiếu được xây dựng và hoạt động vào các ngày mồng 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch hàng tháng. Từ chợ chiếu các lái buôn gom hàng lại và đưa các nới tiêu thụ.
Theo thống kê, nghề dệt chiếu Tân Lễ hàng năm tiêu thụ hơn 8.000 tấn cói và hàng trăm tấn đay. Thế nhưng hiện nay các vùng trống cói xung quanh đã bỏ nghề, thành thử cói phải chở từ trong Nam ra. Làng hiện có 6 đại lý lớn bao trọn việc cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm cho cả làng. Số chiếu tiêu thụ trực tiếp tại địa phương không đáng là bao. Phần lớn chiếu được các đại lý thu gom, phân phối đi khắp các vùng trong cả nước.
Công đoạn in chiếu

Hiện nay, nghề dệt chiếu ở làng Hới đã phát triển ra toàn xã và nhiều xã trong vùng. Ông Trần Trọng Hán- Chủ tịch UBND xã Tân Lễ cho biết: Xã Tân Lễ có 3.105 hộ, thì có tới trên 95% hộ làm nghề dệt chiếu, một năm dệt được khoảng 4 triệu chiếc chiếu, doanh thu gần 36 tỷ đồng. Chiếu Tân Lễ có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước. Tiền công dệt một chiếc chiếu trung bình 2.000 đến 3.000 đồng. Một lao động mỗi ngày dệt được khoảng 5 -6 chiếc.
Nghề chiếu Tân Lễ ít thải ra những chất gây ô nhiễm môi trường. Chỉ có 10 hộ trong làng làm việc nhuộm, in chiếu có dùng đến hóa chất song họ đều xử lý chất thi một cách nghiêm túc, vì vậy làng nghề Tân Lễ tránh được sự ô nhiễm mà nhiều làng nghề khác mắc phải.
Chiếu Hới bây giờ vẫn được ưa chuộng ở nhiều nơi. Ông Trần Nho Đề – Chủ nhiệm HTX Tân Lễ cho biết, hiện xã đang tìm kiếm mở rộng thị trường ra quốc tế. Vừa qua, đã có một vài doanh nghiệp xuất được một vài lô hàng sang Trung Quốc, mở ra hướng phát triển mới cho làng nghề./.
Nguồn: báo Thái Bình, HuynhICT.CF
Share:

Wednesday, August 27, 2014

[Game show] The cultural village no. 8: Tan Le Commune, Hung Ha District, Thai Binh province

The game show “cultural village” was performed by Thai Binh Television collaboration with Corporation of Fertilizer and Chemicals Petroleum at Phạm Đôn Lễ temple (also known as Quan Trạng temple) in Tan le commune, Hung Ha District, Thai Binh Province.
The first tableau named: Trạng Chiếu Hải Hồ was performed by people who are living at Tan Le Commune
Next to game show: Weaving mat mutual: “Hới Mat” known as the capital of the mats which are famous in Viet Nam. So people often said that: “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới”. Nowadays, with Open Market Operations, although the Hới mats have to compete with other ones, it is still alive in the mind of each person. Moreover, thanks to the dynamic development of the village. It is enriching for many households here.
To commemorate Phạm Đôn Lễ who improved the mat’s techniques and developed it at Hải Hồ village. Yearly, on 6th January. Hải Chiều village opens a game “Hội chiếu”. People in the village can take to weave the mats by hands together.
Climbing Banana tree to take the flags
Climbing the banana tree is one of the popular traditional games here, people often held on festive occasions. Climbing the banana tree is very hard, so it is good for our health and patience that need to the ingenuity of the players.
The result of contest “climbing the banana tree taking the flags”
The audiences are watching the contest Blindfolders catching the ducks is an extremely popular game in the countryside of Viet Nam. The game was reshowed in the cultural village no.8 that performed by Thai Binh television collaboration with the Corporation Fertilizers and Chemicals Petroleum.
The leader of Hung Ha district and the leader of Thai Binh TV gave a bouquet to two teams
.
The leader of Tan Le commune gave a bouquet to two player teams
Representative of Corporation Fertilizers and Chemicals Petroleum gifted to two player teams
Here are 2 videos that show you some scenes about this, I’m sorry for low quality, My phone did not support HD that time.


Videos recorded by Huynh ICT.
Source: Thai Binh TV, translator: Huynh ICT
Share:

Saturday, July 26, 2014

Ngày ấy bây giờ

Những năm qua, do tác động của cơ chế thị trường nghề dệt chiếu thủ công có phần giảm sút nhưng Ðảng bộ và chính quyền xã Tân Lễ đã có nhiều chủ trương, giải pháp thúc đẩy nghề và làng nghề phát triển như khuyến khích nhân dân và các doanh nghiệp duy trì phát triển nghề, nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm, khuyến khích du nhập nghề mới về địa phương.
Sản xuất chiếu tại xã Tân Lễ (Hưng Hà). Ảnh: Ngọc Linh

Ông Hà Văn Kết, Chủ tịch UBND xã Tân Lễ (Hưng Hà) cho biết: Nghề dệt chiếu Hới có từ thời Tiền Lê rồi phát triển mạnh ở thời Hậu Lê. Xuất phát từ công lao của ông Phạm Ðôn Lễ khi đi sứ sang Trung Quốc đã học được bí quyết kỹ thuật của nghề dệt chiếu rồi về truyền lại cho người dân trong làng. Từ đó người làng Hới đã có kỹ thuật dệt khung nằm, có ngựa đỡ sợi dọc, làm cho sợi đay căng, chao cói nhanh hơn và chiếu đẹp hơn. Chiếu Hới bắt đầu nổi tiếng từ đây với câu ca “ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới’’.

Ðã có thời ở Tân Lễ người người làm chiếu, nhà nhà làm chiếu, bình quân mỗi hộ trong xã đều có một khung dệt. Những năm qua, do tác động của cơ chế thị trường nghề dệt chiếu thủ công có phần giảm sút nhưng Ðảng bộ và chính quyền xã Tân Lễ đã có nhiều chủ trương, giải pháp thúc đẩy nghề và làng nghề phát triển như khuyến khích nhân dân và các doanh nghiệp duy trì phát triển nghề, nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm, khuyến khích du nhập nghề mới về địa phương. Tân Lễ đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nghề do đồng chí Bí thư Ðảng bộ làm Trưởng ban, giao các thành viên, cấp ủy viên phụ trách từng làng nghề, từng nghề và từng thôn. Ngoài ra, địa phương còn tạo điều kiện tín chấp giúp cho các hộ gia đình vay vốn sản xuất, mua máy dệt chiếu, dành quỹ đất hợp lý để các hộ mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong phát triển nghề và làng nghề. Do đó nghề chiếu cói ở Tân Lễ không chỉ phát triển mạnh mà còn phát triển thêm mặt hàng mới là dệt chiếu nilon.

Với những chủ trương trên, thời gian qua nghề và làng nghề ở Tân Lễ đã phát triển tương đối bền vững. Từ năm 2011 đến nay đã có 5 dự án mở cơ sở sản xuất mới với diện tích 17.000m2 để mở xưởng, quy hoạch hệ thống đường điện, đường giao thông với tổng số vốn 70 tỷ đồng. Nghề dệt chiếu cói truyền thống, năm 2010 duy trì được 1.450 khung dệt, tới năm 2012 có 1.201 hộ duy trì nghề, thu hút 1.305 lao động, sản phẩm hàng năm đều đạt trên 1,5 triệu lá chiếu, giá trị đạt trên 78 tỷ đồng. Trong năm 2010, Tân Lễ có thêm 14 máy dệt chiếu cói, tới nay số lượng máy tăng nhanh với tổng số 63 máy, công suất gấp 60 lần dệt thủ công, thu hút 630 lao động, đạt 695.750 lá chiếu, giá trị đạt trên 55 tỷ đồng. Toàn xã còn có 32 hộ chuyên in chiếu hoa, thu hút 65 lao động. Ngoài ra còn có 256 hộ trồng đay tạo việc làm cho 405 lao động, đem lại thu nhập 1.600 triệu đồng. Ngoài sản xuất phân tán, trong những năm qua đã có 5 doanh nghiệp đầu tư sản xuất chiếu nilon với 255 máy, thu hút 600 lao động, sản xuất đạt 1,3 triệu lá chiếu/năm, giá trị đạt trên 61 tỷ đồng, đem lại thu nhập cho người lao động bình quân đạt từ 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ cơ sở dệt chiếu Tiến Sơn cho biết: Hàng chục năm nay gia đình ông gắn bó với nghề dệt chiếu, tuy nhiên từ hơn 10 năm qua ông đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng mua 6 máy dệt chiếu cói, 45 máy dệt chiếu nilon. Ðặc biệt, cơ sở của ông Sơn còn tự chế nhựa nguyên liệu để làm hoàn thiện sản phẩm chiếu nilon mà không phải nhập bất cứ nguyên liệu nào. Bình quân mỗi tháng cơ sở sản xuất vài nghìn đôi chiếu cói, 9.000 chiếc chiếu nhựa, trong đó 30% sản phẩm xuất sang thị trường Campuchia và Lào, đem lại doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, cơ sở còn tạo việc làm cho hơn 100 lao động trong lúc nông nhàn với thu nhập bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ có ông Sơn, ở Tân Lễ còn có hàng chục cơ sở dệt chiếu lớn như cơ sở Nguyễn Văn Bắc, thôn Bùi Xá đã đầu tư xây dựng 2 nhà xưởng trên diện tích 10.000mvới trên 200 máy dệt, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 1.000 lao động ở trong và ngoài xã; cơ sở Nguyễn Văn Dũng, thôn Hải Triều mạnh dạn vay vốn ngân hàng cùng người thân mua trên 80 máy dệt và máy phụ trợ dệt chiếu, tạo việc làm cho 200 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng, bình quân hàng năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Từ phát triển nghề dệt chiếu truyền thống đến nay đời sống người dân Tân Lễ đã có nhiều khởi sắc. Năm 2013, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 170.980 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 60,05%; tốc độ tăng trưởng kinh tế 15,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 21 triệu đồng/người/năm. Năm 2007, làng Hới - Hải Triều được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vinh danh “Làng nghề Việt Nam’’, năm 2008 được UBND tỉnh công nhận xã nghề, năm 2010 - 2011 được UBND tỉnh tặng Bằng khen, năm 2012 được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc.
Thu Thủy
Share:

Monday, May 6, 2013

Chiếu Nẩy làng Hới một thời vang bóng

Nhiều công đoạn trong nghề dệt chiếu vẫn phải làm thủ công.
Những người từng sử dụng chiếu làng Hới, xã Tân Lễ (Hưng Hà) chắc hẳn đã quen với câu ca: “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới”, qua đó thấy được giá trị của một làng nghề nghìn tuổi. Nghề làm chiếu vẫn còn đó nhưng một kỹ thuật làm nên thương hiệu “chiếu Hới” đang đứng trước nguy cơ mất hoàn toàn.
Chiếu Nẩy - một nghệ thuật đỉnh cao
Cách đây vài chục năm, những gia đình giàu có thường đến tận làng Hới để đặt những đôi chiếu Nẩy về dùng hoặc biếu bạn bè. Nói đến chiếu Nẩy làng Hới là nói tới sự hội tụ những tuyệt kỹ tinh xảo nhất của một lá chiếu, từ sự cầu kỳ về nguyên liệu đầu vào đến quy trình lựa cói rồi lên khung go dệt. Ðiều đặc biệt ở chiếu Nẩy chính là kỹ thuật dệt chiếu từ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân.
Hiện nay, ở làng chiếu Hới chỉ duy nhất có ông Ðoàn Trọng Thơm còn giữ được kỹ thuật làm chiếu Nẩy, kỹ thuật đó được người dân tôn vinh như một nghệ thuật tạo nên từ bàn tay khối óc của người thợ nuôi nghề.
Nghề làm chiếu ở làng Hới những tháng giáp hè làm tối ngày không hết việc. Cũng bởi nhu cầu của người tiêu dùng mùa này tăng cao. Nhà nhà sản xuất chiếu, người người tham gia vào các công đoạn làm chiếu. Ông Thơm cho biết: “Ở làng Hới, người làm chiếu thì nhiều nhưng ít ai được truyền cho kỹ thuật làm chiếu Nẩy vì làm chiếu Nẩy đòi hỏi mọi công đoạn phải kỹ càng. Từ khâu chọn cói đến dệt cói rất quan trọng. Chiếu Nẩy đẹp phụ thuộc chủ yếu vào người làm chiếu”. Nhiều năm trở lại đây, nhiều người dân trong làng, ngoài xã và những vùng lân cận đến nhờ ông Thơm truyền dạy lại nghề dệt chiếu Nẩy cho họ, ông cũng không giữ nghề làm của riêng cho mình mà nhiệt tình dạy cho mọi người nhưng ít có người theo được bởi tính kiên trì, nhẫn nại khi làm chiếu Nẩy cũng là một yếu tố góp phần tạo nên một lá chiếu đẹp, đáp ứng yêu cầu.
Chiếu Nẩy khác với lá chiếu Ðậu, chiếu Mòi mà người dân vẫn thường dùng. Chiếu Nẩy không ưa cói Thanh Hóa, cói miền Nam. Muốn làm chiếu Nẩy, người ta chỉ chọn cói An Tràng (Quỳnh Phụ) vì sợi cói mảnh, dẻo dai và bóng, khi lên chiếu sẽ dầy, đẹp. “Có một điều mà các loại chiếu khác không có được chính là ở chỗ chiếu càng dùng càng nền, sáng mặt chiếu. Mùa đông nằm rất ấm, mùa hè thì mát không như chiếu nhựa, chiếu trúc”. Ông Thơm cho biết thêm. So sánh với chiếu Ðậu thì chiếu Nảy tốn nhiều thời gian, chi phí cao và rất khó làm. Thị trường chiếu Nẩy chỉ phù hợp với các gia đình khá giả nên xu hướng làm chiếu Nẩy rất ít. Ðối với chiếu Nẩy, máy móc không thể thay thế đôi bàn tay của con người. mọi công đoạn đều phải tiến hành thủ công. Tuy nhiên cũng theo ông Thơm, nếu biết kết hợp vừa làm chiếu chợ, vừa sản xuất chiếu Nẩy thì người dân sẽ có thêm thu nhập mà cái cốt yếu là giữ được nghề cổ truyền của ông cha.
Những nỗ lực giữ nghề truyền thống
Xã Tân Lễ có gần 3.200 hộ thì 80% hộ gia đình làm nghề dệt chiếu, mỗi năm xuất ra thị trường hàng triệu chiếc chiếu với mẫu mã và chủng loại khác nhau. Giá cả luôn ổn định từ 150.000 - 300.000 đồng/chiếc. Chiếu làng Hới có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, cả làng giờ chỉ còn mình ông Thơm là còn giữ được nghệ thuật làm chiếu Nẩy. Ông vẫn ngày ngày giữ nghề bằng việc nhận làm chiếu Nẩy do bạn hàng đặt. Dù tuổi cao nhưng cái tâm với nghề vẫn còn đó. Mỗi khi có người đặt hàng, ông lại lặn lội sang vùng cói An Tràng chọn cói. “Không phải vì tiền mà chính là vì nghề. Làm được một đôi chiếu Nẩy là mình có thêm một công trình nghệ thuật để góp phần quảng bá nét đẹp làng nghề. Nhiều người yêu thích thì mình, con cháu mình vẫn còn đất sống”. Ông Thơm tâm sự.
Mỗi đôi chiếu Nẩy làm ra cũng chỉ được từ 500.000 - 600.000 đồng/đôi. Lấy công làm lãi cốt là còn giữ được nghề. Nếu nhìn rộng ra một chút, đổi mới kỹ thuật thì ắt hẳn chiếu Nẩy vẫn có thị trường rộng lớn.
Nghề làm chiếu lâu đời đã tạo nên một diện mạo mới cho làng chiếu xã Tân Lễ, nhiều tỷ phú trẻ xuất hiện cũng bởi gắn bó với nghề. Những năm trước đây, làng Hới tự hào có trong tay những ngón nghề độc và có nhiều thợ dệt chiếu Nẩy nổi tiếng như cụ Nguyễn Ngọc Ðiếm, Nguyễn Văn Lương... Chính cụ Ðiếm là người dệt tặng Bác Hồ lá chiếu Nẩy với dòng chữ: "Ðời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại". Phát triển nghề song song với giữ nghề không chỉ là trách nhiệm mà đó còn là một nhiệm vụ quan trọng mà lớp hậu sinh làng Hới phải làm.
Ông  Hà Khắc Kết, Chủ tịch UBND xã Tân Lễ cho biết: “Tân Lễ luôn tự hào có nghề truyền thống dệt chiếu lâu đời. Thực hiện đề án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của địa phương, trong những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, huyện, xã đã nỗ lực trong việc quy hoạch làng nghề. Phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện tín chấp giúp cho các hộ gia đình có nhu cầu vay vốn sản xuất, mua máy dệt chiếu cói, chiếu nilon, giúp các hộ gia đình làm thủ tục hưởng cơ chế hỗ trợ của huyện.
Ðồng thời dành quỹ đất hợp lý, quy hoạch cụm công nghiệp... Ông Kết cho biết thêm: riêng với loại chiếu Nẩy, chỉ còn một nghệ nhân giữ được kỹ thuật làm chiếu. Trong kế hoạch khôi phục nghề, xã đã có nhiều biện pháp nhưng do cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên máy móc tham gia hầu hết các khâu sản xuất. Người làng không mấy ai tha thiết với cách làm thủ công. Do đó, kỹ thuật làm chiếu Nẩy đang đứng trước nguy cơ mai một. Hy vọng trong tương lai gần, người dân làng Hới nhận thức thực sự được giá trị nguyên bản cổ truyền của nó để có biện pháp kịp thời nhằm tôn vinh giá trị nghệ thuật của loại chiếu có một không hai này.
Bài, ảnh:  Tất Đạ


Share:

Monday, March 18, 2013

Vững chãi “cây cổ thụ” làng nghề

Vào những ngày cuối năm, không khí ở các làng nghề dệt khăn truyền thống ở Thái Phương, dệt chiếu cói ở Tân Lễ, Thị trấn Hưng Nhân lại nhộn nhịp như xưa. Các làng nghề dệt may ở Hưng Hà đã trải qua một năm có nhiều biến cố, âu cũng là lẽ thường tình của quy luật cung, cầu.
In hoa văn trên sản phẩm chiếu cói truyền thống ở xã Tân Lễ (Hưng Hà). Ảnh: Ngọc Linh
In hoa văn trên sản phẩm chiếu cói truyền thống ở xã Tân Lễ (Hưng Hà). Ảnh: Ngọc Linh
Năm 2012, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ sản xuất ở hầu hết các địa phương trong tỉnh bị bao trùm bởi sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, trong nước lạm phát cao, bất ổn của nền kinh tế vĩ mô. Do đó, một số doanh nghiệp đã phải giải thể, ngừng sản xuất; những doanh nghiệp, hộ sản xuất trụ được cũng giảm năng lực sản xuất và doanh thu… Trong bối cảnh chung ấy, một số doanh nghiệp, làng nghề ở Hưng Hà cũng bị ảnh hưởng khá nặng nề, sản phẩm làm ra khó bán, tiêu thụ chậm, lao động có ít việc làm. Song, Hưng Hà có các làng nghề truyền thống hàng trăm năm nay, như cây cổ thụ bám sâu vào lòng đất mẹ đã nhanh chóng vươn lên phục hồi sản xuất, trụ vững trước những bất ổn của thị trường, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng CN-TTCN của huyện. Tổng giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 1.812,2 tỷ đồng, tăng 8,79% so với năm 2011.
Hình ảnh một số làng nghề dệt khăn ở Hưng Hà khi chúng tôi về trong những tháng đầu năm 2012 vẫn còn in đậm, bóng dáng công nhân trong các công ty, xí nghiệp chỉ còn lác đác, những chiếc máy dệt nằm im ỉm… Ông Hoàng Minh Chính, Trưởng phòng Công thương lúc đó lo lắng tâm sự: Hàng dệt may cơ bản phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, trong khi đó các nước đang rơi vào thời kỳ suy thoái và khủng hoảng nợ công tràn lan nên xuất khẩu đã giảm mạnh, khoảng 21% so với những tháng đầu năm 2011; trong khi đó các doanh nghiệp dệt may chủ yếu là nhỏ và vừa nên rất khó khăn trong việc khai thác thị trường xuất khẩu mới, thị trường truyền thống thì đơn đặt hàng giảm, do đó đã tồn kho trên 2.500 tấn khăn, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của các làng nghề.
Ðặc biệt, giá trị sản xuất ngành dệt may của Hưng Hà luôn chiếm 50% giá trị sản xuất CN-TTCN trong toàn huyện, do đó đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung. Cũng trong dịp này, chúng tôi được ông Trần Viết Chính, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT mời dự cuộc họp tháo gỡ vốn vay cho các doanh nghiệp dệt may. Tại đây, nhiều vấn đề được các chủ doanh nghiệp dãi bày và kiến nghị về giảm lãi suất, gia hạn thời gian vay. Theo các doanh nghiệp thì các tháng đầu năm việc xuất khẩu hàng dệt may giảm từ 40 - 50% sản lượng; đồng thời giá cũng giảm mạnh, từ 6 USD/ kg khăn xuống còn 3,8 – 4 USD/kg. Các doanh nghiệp chủ yếu mới thành lập nên năng lực cạnh tranh thấp, ít vốn, chưa có khả năng ra nước ngoài tìm kiếm thị trường; trong khi đó vẫn phải duy trì sản xuất để bảo đảm việc làm cho người lao động, cũng như giữ chân họ gắn bó với công ty.
Vì vậy, việc cứu vãn 54 doanh nghiệp dệt may trong huyện đã đặt lên vai các cấp ủy, chính quyền và một số ngành liên quan như ngân hàng, thuế. Qua đây không chỉ giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của huyện mà còn duy trì, phát triển các làng nghề đã có hàng trăm năm nay. Theo đó, Hưng Hà đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất thông qua một số cơ chế chính sách hỗ trợ mua máy dệt khăn mới; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc xét duyệt dự án thành lập các doanh nghiệp mới để làm đầu tầu dẫn dắt cho các làng nghề phát triển... Ðặc biệt, trong buổi thảo luận với các doanh nghiệp về những khó khăn vướng mắc, ông Trần Viết Chính, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT đã thông báo quyết định giảm lãi suất tiền vay của các đơn vị dệt may bắt đầu từ tháng 7 đến 25/12/2012, từ 13%/ năm xuống 11%/ năm.
Nhờ có sự vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành và nỗ lực của những người yêu nghề, cùng các doanh nghiệp đã vươn lên tiếp tục duy trì sản xuất có hiệu quả. Các hộ dân, doanh nghiệp đã tiếp tục đầu tư máy móc, chấn chỉnh lại sản xuất, do đó 44 làng nghề và 4 xã nghề vẫn giữ vững tiêu chí được UBND tỉnh công nhận trước đó. Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện Hưng Hà có 5.208 máy dệt khăn, tăng 227 máy; máy dệt chiếu cói nilon 231 máy, tăng 83 máy so với năm 2011. Tổng giá trị sản xuất của các làng nghề đạt 1.332,36 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 9,3% so với năm 2011. Cùng với các làng nghề truyền thống, một số nghề mới du nhập về cũng phát triển khá ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao, như nghề sản xuất men rượu, men vi sinh, bánh mứt kẹo doanh thu bình quân đạt 10 – 15 tỷ đồng/ 1 cơ sở.
Ngoài ra, năm 2012 Hưng Hà còn tiếp nhận thêm 12 dự án đầu tư vào huyện, với tổng số vốn đăng ký 66,4 tỷ đồng; trong đó 8 dự án đang hoàn thiện hồ sơ thuê đất và san lấp mặt bằng, 4 dự án đã đi vào hoạt động. Nhìn chung các doanh nghiệp và làng nghề ở Hưng Hà có sự gắn bó mật thiết với nhau, bởi những doanh nghiệp dệt may chủ yếu từ hộ sản xuất đi lên. Chính vì vậy, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào thì việc gắn bó không bị tách rời, tạo thành một khối thống nhất để duy trì và phát triển nghề và làng nghề thêm bền vững.
Vào những ngày cuối năm, không khí ở các làng nghề dệt khăn truyền thống ở Thái Phương, dệt chiếu cói ở Tân Lễ, Thị trấn Hưng Nhân lại nhộn nhịp như xưa. Các làng nghề dệt may ở Hưng Hà đã trải qua một năm có nhiều biến cố, âu cũng là lẽ thường tình của quy luật cung, cầu. Cái chính là những người con của làng nghề đã không nản chí trước khó khăn, vẫn bám nghề và tìm giải pháp vươn lên để nghề truyền thống của ông cha tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao cuộc sống, làm giàu cho quê hương.
Nguyên Bình
Nguồn tin: http://baothaibinh.com.vn
Share:

Sunday, March 18, 2012

Hội chiếu làng Hới

Làng Hới, nay là Hải Triều, thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Từ xưa, làng này đã nổi tiếng với nghề dệt chiếu, dân gian còn nhắc nhau câu cửa miệng: “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới”.

Tương truyền, nghề dệt chiếu Hải Triều do ông “Trạng chiếu” Phạm Đôn Lễ truyền dạy. Nhân một chuyến đi sứ sang Tàu, ông đã cố học cách dệt chiếu đẹp để mang về dạy cho dân như một cách để bày tỏ sự hiếu thảo và niềm nhớ cội thương nguồn của mình đối với quê hương xứ sở.  Từ đó, một nghề thủ công tinh xảo đã được lưu truyền và mang lại tiếng thơm cho làng Hới Thái Bình.

Khi “Trạng chiếu” mất, người dân lập đền thờ gọi là đền Quan Trạng, quanh năm hương khói. Lễ hội tưởng nhớ đến công ơn của Quan Trạng được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng giêng hàng năm, tương truyền đó là ngày Phạm Đôn Lễ mất. Trong lễ hội, ngoài phần lễ nghi, người ta còn tổ chức hội thi dệt chiếu rất sôi nổi thu hút dân trong vùng và khách thập phương đến tham dự.

Đền thờ Phạm Đôn Lễ - ông tổ nghề chiếu làng Hới. Ảnh: Internet

Lễ hội làng Hới bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu “Trạng chiếu”. Từ sáng sớm ban khánh tiết và những người có trách nhiệm đã tề tựu đông đủ để làm lễ rước. Đám rước diễn ra rất long trọng với đầy đủ cờ xí, chấp kích, bát bửu, chiêng trống, kiệu thánh, dàn bát âm… Dân làng theo đám rước rất đông. Lễ rước thể hiện lòng biết ơn của dân làng đối với “ông tổ nghề” cũng như lòng yêu mến đối với người con hiếu thảo của quê hương.

Hội chiếu hấp dẫn bởi cuộc thi chiếu và thi dệt chiếu. Thi chiếu là các nhà, các giáp thi nhau trưng bày những chiếc chiếu đẹp nhất của mình tại hội chiếu để xem chiếu nhà ai đẹp nhất. Ban tổ chức quy định từng khu vực ở chợ cho người dân bày chiếu thi. Chợ rực lên muôn màu sắc và hoa văn tuyệt đẹp từ những chiếc chiếu được dệt hết sức khéo léo của dân làng Hới. Chiếu cải, chiếu đậu, chiếu đót, chiếu trơn, chiếu kẻ sọc màu, chiếu in hoa, chiếu cạp điều… đủ loại, đủ cỡ, đủ sắc cuốn hút người xem.

Những tấm chiếu rực lên sắc màu từ bàn tay của những người thợ tài hoa. Ảnh: Internet

Ai có chiếu đẹp nhất sẽ được nhận giải thưởng, tuy giá trị phần thưởng không lớn lắm nhưng đó là niềm tự hào của người thắng cuộc. Giải thưởng là lộc thánh ban, ai cũng hi vọng được gặp nhiều may mắn trong năm, làm ăn phát đạt và sức khỏe dồi dào. Hơn nữa, nó còn thể hiện được tài năng và sự khéo léo, tinh thần hăng say lao động của mọi người.

Vui nhất và hấp dẫn nhất vẫn là cuộc thi dệt chiếu. Nếu tại hội chợ chiếu là những chiếc chiếu được bày sẵn cho mọi người chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoàn mỹ của nó thì tại cuộc thi dệt chiếu, người ta sẽ được tận mắt chứng kiến sự ra đời của chiếc chiếu tinh xảo dưới đôi bàn tay khéo léo của người thợ. Thật sống động, thật hấp dẫn!

Mỗi giáp cử những người thợ tài hoa nhất để tham dự cuộc thi. Ai cũng tập luyện rất siêng năng và chăm chỉ để mong giành giải trong cuộc thi. Để thử thách tay nghề của người thợ, đề thi thường là dệt chiếu hoa vì dệt loại chiếu này khá phức tạp với nhiều hoa văn, họa tiết và màu sắc. Sau tiếng trống hiệu, các thí sinh đua nhau thi tài, mỗi chiếu hai người dệt, trao gon, dập gon thoăn thoắt trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người. Cặp đôi nào dệt chiếu đẹp nhất, chắc tay và pha màu giỏi sẽ được nhận giải trong niềm chung vui của tất cả mọi người.

Họ không chỉ nhận được phần thưởng mà còn nhận được cả lòng yêu mến và ngưỡng mộ về sự tài hoa. Hơn nữa, cặp đôi thắng cuộc còn mang lại uy tín, tiếng tăm cho cả giáp, cả họ mình. Nhân cuộc thi mà người ta được giao lưu, học hỏi, rút kinh nghiệm và nâng cao tay nghề. Cuộc thi giúp tất cả mọi người cảm thấy hào hứng hơn và nhiệt huyết hơn, thêm yêu mến và tự hào đối với nghề nghiệp của mình.
Share:

Friday, March 18, 2011

Giới thiệu về Tam nguyên – Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ

Phạm Đôn Lễ (1457-1531) đỗ Trạng nguyên năm 1481 đời vua Lê Thánh Tông. Ông cũng đỗ đầu cả kỳ thi Hương, thi Hội nên được coi là vị Tam nguyên đầu tiên của lịch sử khoa bảng Việt Nam. Ông làm quan đến Tả thị lang, Thượng thư.
Đền thờ Phạm Đôn Lễ ở thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Nguồn ảnh: ditichlichsuvanhoa.com.
NGHIÊN CỨU CÁCH DỆT RỒI DẠY CHO DÂN
Năm 1488, Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ vừa qua tuổi 31, được vua Lê cử đi sứ nhà Minh. Trên đường đi, đoàn qua thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, thấy phong cảnh hữu tình nên dừng chân nghỉ ngơi, thưởng lãm. Chiều hôm ấy, Trạng Nguyên Đôn Lễ đi dạo chơi thành Quế Lâm, tình cờ thấy người dân địa phương làm nghề dệt chiếu như ở quê ông nhưng phương pháp dệt không hoàn toàn giống. Ông tò mò quan sát thì thấy bàn dệt của họ để nằm, có ngựa đỡ, khác với ở quê nhà là bàn dệt đứng không có ngựa đỡ. Với cách dệt này, chiếu hẹp, bền và nhanh hơn. Thế là ông quyết tâm tìm cách đưa phương pháp dệt chiếu này về nước.
Sau khi đến Yên Kinh làm xong việc vua giao, đoàn trở về ngang Quế Lâm, Trạng nguyên Đôn Lễ bỏ tiền mua bàn dệt chiếu mang về nước. Ông đưa bàn dệt về làng Hới (làng Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, Thái Bình) quê ông, gọi phường dệt đến tháo ra nghiên cứu và tập dệt thử. Phường dệt kêu khó quá. Thế là ông đích thân ngồi vào bàn dệt, với tư chất thông minh, ông nhanh chóng nắm được quy trình vận hành và gọi phường dệt lại để chỉ dạy. Nhìn những chiếc chiếu mới dệt xong, bấy giờ cai cũng tấm tắc khen.
Từ đó dân làng Hới dệt chiếu theo phương pháp mới. Chiếu làng Hới chẳng mấy chốc nổi tiếng khắp vùng. Trạng nguyên Đôn Lễ cho thợ đóng thêm nhiều bàn dệt mới truyền nghề dạy cho dân các làng miền duyên hải trấn Sơn Nam hạ (nay là các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định).
Ngoài ra, Trạng nguyên Đôn Lễ còn hướng dẫn dân cách trồng cói và chăm sóc để luôn có nguồn nguyên liệu dồi dào sản xuất chiếu. Đời sống người dân ngày càng sung túc. Từ đó, người dân quý mến gọi ông là Trạng Chiếu.
VỊ TAM NGUYÊN ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ
Phạm Đôn Lễ là người đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam đỗ Tam nguyên, hiện bia đá dựng tại Văn miếu – Quốc tử giám Hà Nội vẫn còn lưu giữ kỳ tích này.
Báo Hưng Yên online trích dẫn cuốn Tóm tắt tiểu sử Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ do dòng họ Phạm ở thôn Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, sưu tầm và biên soạn năm Ất Hợi 1995 cho biết hồi nhỏ Trạng nguyên Đôn Lễ sống rất cơ cực. Mẹ của ông bán nước ven làng, còn cha làm nghề chài lưới tại bến đò Cà ven sông Luộc. Ngay khi ông còn rất nhỏ thì người cha đã qua đời.
Năm lên 3 tuổi, Phạm Đôn Lễ bị lạc trong một lần đi chơi ven sông. Một chủ thuyền buôn (sử sách ghi lại là người xã Thanh Nhã, huyện Kim Hoa, tức Sóc Sơn, Hà Nội ngày nay) khi đi qua đây thấy đứa trẻ khôi ngô, tuấn tú nên đã đưa về nuôi và cho ăn học. Phạm Đôn Lễ càng lớn càng tỏ ra thông minh, học một biết mười. Năm 1481 niêu hiệu Hồng Đức 12, vua Lê Thánh Tông mở khoa thi kén chọn nhân tài cho đất nước, Phạm Đôn Lễ dự thi Hội, thi Đình và đều đỗ thủ khoa. Trước đó ông cũng đỗ đầu kỳ thi Hương. Đó thật sự là một sự kiện chưa từng có trước đó.
Phạm Đôn Lễ được vua Thánh Tông bổ nhiệm làm Hàn lâm viện thừa chí. Ông được vua ban áo mão, ngựa và lộng che về quê vinh quy bái tổ. Lúc này người cha nuôi mới kể sự thật về nguồn gốc lai lịch của ông. Phạm Đôn Lễ trở về làng Hải Triều tìm mẹ. Người mẹ gặp con mà cứ ngõ như chuyện cổ tích. Từ đó Đôn Lễ đón mẹ về ở chung một nhà.
DẠY HỌC ĐẾN CUỐI ĐỜI
Phạm Đôn Lễ còn được biết đến là vị quan rất mực thương dân, tính lại cương trực, ghét bọn nịnh thần. Thời vua Lê Uy Mục (1505-1516), bọn tham quan bắt đầu nổi lên, tìm cách gièm pha hãm hại các bậc công thần. Phạm Đôn Lễ là đối tượng của chúng. Chuyện kể rằng một năm kia đê cửa sông Luộc bị vỡ, Phạm Đôn Lễ cho người xây kè chống sạt lở cửa sông. Trong thời gian này không may công chúa bị ốm nặng. Bọn gian thần đã tấu với vua công chúa bị ốm là do Phạm Đôn Lễ đào đắp đê cửa sông Luộc đã phạm đến long mạch. Vua nghe theo bèn khép tội Phạm Đôn Lễ.
Hay chuyện, Phạm Đôn Lễ xin từ quan, đưa vợ và bốn người con trai đến nhiều địa phương vừa dạy chữ vừa truyền nghề dệt chiếu cho người dân làm ăn. Trong lần về thôn Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, ông quyết định ở lại đây mở trường dạy học.
Năm 1531 ông qua đời. Để tỏ lòng tôn kính, tại khu đất Đồng Cời thuộc thôn Mỹ Xá, dân làng đã xây khu lăng mộ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ khá quy mô. Ngoài phần mộ chính của ông còn có các mộ phần của bốn người con trai. Hàng năm, nhân dân lấy ngày 6 tháng giêng âm lịch, là ngày sinh nhật Phạm Đôn Lễ, làm ngày đại lễ nhằm ghi nhớ công ơn dạy dân nghề dệt chiếu. Vào ngày này dân làng mở hội, tế lễ rất linh đình, đồng thời tổ chức nhiều trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ…
Tại làng Hới, quê nhà giáo Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ nay vẫn con ngôi đền mà người dân thường gọi Đền Quan trạng. Đền có diện tích 660m2 gồm năm gian ngoài, ba gian trong thờ tượng Trạng nguyên. Dân làng Hải Triều đã có bài thơ chữ Hán chạm trên bia đá ca ngợi Trạng Nguyên, được Viện Hán Nôm dịch ra như sau:
Nước sông mênh mang nguồn dòng dài
Nhà từ đường rực rõ, hương hoa ngát thơm
Vị thần giáng xuống ánh sáng rực rỡ
Mây sáng phiêu diêu, xa giá lượn quạnh
Giáng vẻ ung dung, vang khắp mùa xuân
Hát vang bài ca yên vui, điển chương yên lành
Phúc thần dạt dào, nhân kiệt địa linh
Từng bước đi đưa hương, báo đáp thần linh
Đời đời thờ thần, mãi mãi hoà bình.
Share:

Làng dệt chiếu Hới

Làng Hới (Thái Bình) có nghề dệt chiếu lâu đời và nổi tiếng ở nước ta. Chiếu Hới còn gọi là chiếu Hưng Nhân theo tên huyện cũ, là chiếu Hưng Hà theo tên huyện mới, và chiếu Thái Bình (tên tỉnh). Như thế, sản phẩm chiếu dệt thủ công của làng Hới từ lâu đã trở thành một sản phẩm tiêu biểu không chỉ của một địa phương nhỏ, mà của cả một tỉnh nông nghiệp loại lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ và lưu vực sông Hồng.
      Chưa có ai biết nghề chiếu xuất hiện ở Hới từ bao giờ, cũng như Tổ nghề thật sự là ai. Theo truyền thuyết, vào thời Tiền Lê - Lý (thế kỷ X-XI), làng Hới đã bắt đầu dệt chiếu, rồi phát triển mạnh vào thời Hậu Lê (thế kỷ XV). Nghề dệt chiếu Hới thịnh đạt lúc bấy giờ là nhờ công lao của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (1457 - ?)- Ông người làng Hải Triều, huyện Ngự Thiêm, phủ Tân Hưng. Ông thi đỗ Trạng nguyên khoa thi Tân Sửu, niêu hiệu Hồng Đức năm thứ 12 (1481) làm quan tới chức Thượng thư. Khi ông lớn lên, làng Hới đã có nghề dệt chiếu từ lâu. Nhưng chiếu dệt khung đứng, không có ngựa đỡ sợi nên chiếu không đẹp. Đi sứ sang Trung Quốc, khi qua vùng Ngọc Hà, Châu Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Phạm Đôn Lễ đã tìm hiểu và học được bí quyết kỹ thuật dệt chiếu của người Trung Quốc. Đó là kỹ thuật dệt khung nằm, có ngựa đỡ sợi dọc, làm cho sợi đay căng, chao cói nhanh hơn và chiếu đẹp hơn. Ông đã phổ biến kinh nghiệm và kỹ thuật dệt mới cho nhân dân. Ông cho cải tiến khung dệt. Nhờ vậy, chiếu Hới đẹp hơn và nổi tiếng từ đó. Dân làng tôn ông là ông Tổ nghề dệt chiếu, gọi ông là "Trạng Chiếu" và lập đền thờ sau khi ông mất; đền thờ Phạm Trạng Nguyên.


       
Chiếu Hới
       Chiếu Hới có nhiều loại: chiếu cài hoa, chiếu đậu, chiếu trơn, chiếu cạp điều, chiếu đót, chiếu sợi xe... với nhiều kích cỡ khác nhau. Trước đây, ở Hới có loại chiếu gon bền, đẹp nổi tiếng rất được ưa chuộng. Lịch Sử Văn học Việt Nam còn ghi lại giai thoại cô gái bán chiếu gon bên Hồ Tây ở kinh đô hồi thế kỷ XV. Đó là cuộc gặp gỡ tài tử, giai nhân giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, với những câu thơ đối đáp trữ tình giữa nhà thơ lớn với cô bán chiếu tài sắc:
                                      - Nàng ở đâu đi bán chiếu gon
                                      Phải chăng chiếu bán hết hay còn
                                      Xuân canh chừng độ bao nhiêu tuổi
                                      Đã có chồng chưa, được mấy con ?
                                      - Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon
                                      Hỏi chi chiếu bán hết hay còn ?
                                      Xuân canh chừng độ trăng tròn lẻ
                                      Chồng còn chưa có, hỏi chi con ?
       Mãi đến thời nhà Nguyễn, chiếu Hới vẫn là loại chiếu tốt nhất, chưa có loại chiếu nào khác trong vùng cạnh tranh nổi. Nhân dân quanh vùng có câu phương ngôn: "Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới".Bởi chiếu Hới không chỉ đẹp, bền mà còn có thể dùng đắp thay chăn, cũng rất ấm. Làng Hới dệt chiếu nhưng chỉ trồng đay mà không trồng cói. Đó là nét đặc biệt của làng chiếu này, khác hẳn các làng và trung tâm nghề dệt chiếu khác ở miền Bắc nước ta - dệt chiếu gắn liền với trồng cói là nguyên liệu. Làng Hới xưa nay trồng khá nhiều đay, đủ đáp ứng nhu cầu se sợi dệt chiếu, ít mua đay sợi của các nơi khác. Kỹ thuật vê đay (se sợi đay), cải tiến khung dệt, kỹ thuật chế biến cói và dệt các loại chiếu của thợ thủ công làng Hới vừa cao vừa độc đáo, đã tạo ra những sản phẩm đặc sắc, có một không hai.
       Khác với nhiều làng nghề Việt Nam, ở Hới chưa có gia đình nào thoát ly hẳn sản xuất nông nghiệp. Người ta chỉ dệt chiếu trong 8 tháng mỗi năm, còn 4 tháng thì làm ruộng. Chiếu Hới bây giờ vẫn được ưa chuộng ở nhiều nơi. Địa phương đã cố gắng tìm thị trường quốc tế, tìm đối tác kinh doanh, đang xuất sang Trung Quốc những lô hàng lớn. Những người thợ tài hoa làng Hới còn cải tiến công nghệ, tìm cách dệt loại sản phẩm mới để xuất sang một số nước tư bản phát triển. Đó là loại chiếu dệt sợi dọc bằng sợi vải, viền mép (biên) bằng vải.

Share:

Phổ biến nhất

Bản đồ toàn xã

Fanpage on Facebook