Kênh chia sẻ tin tức nhanh chóng và tin cậy cho bà con

Tân Lễ nằm ở ngã ba sông Luộc và sông Hồng (tên gọi cổ của ngã ba này là cửa Tuần Vườn), giáp ranh với tỉnh Hưng Yên (ranh giới là sông Luộc) và Hà Nam (ranh giới là sông Hồng), là xã đầu tỉnh ở phía tây bắc của tỉnh Thái Bình. Phía Nam và Đông Nam Tân Lễ giáp xã Phú Sơn (tức là thị trấn Hưng Nhân hiện nay), phía Đông là xã Canh Tân, là các xã cùng huyện. Phía Bắc giáp các xã Đức Thắng, Hải Triều, Thiện Phiến của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, phía Tây Bắc và Tây là các xã Thủ Sĩ, Tân Hưng của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên. Phía Tây Nam, Tân Lễ giáp xã Chân Lý huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Tân Lễ có quốc lộ 39 chạy ngang qua, với Cầu Triều Dương bắc qua sông Luộc nối Thái Bình với Hưng Yên. Ngày 23 tháng 2 năm 1977, hợp nhất 2 xã Phạm Lễ và xã Tân Mỹ thành xã Tân Lễ, tên Tân Lễ được ghép từ chữ Tân (trong từ Tân Mỹ) và Lễ (trong từ Phạm Lễ) Làng Hải Triều (tức làng Hới) là một làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghề làm chiếu Hới. Chiếu Hới còn gọi là chiếu Hưng Nhân theo tên huyện cũ, là chiếu Hưng Hà theo tên huyện mới. sản phẩm chiếu dệt thủ công của làng Hới từ lâu đã trở thành một sản phẩm tiêu biểu không chỉ của một địa phương nhỏ, mà của cả một tỉnh nông nghiệp loại lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ và lưu vực sông Hồng. Nghề dệt chiếu Hới thịnh đạt lúc bấy giờ là nhờ công lao của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Hải Triều là quê hương của những danh nhân Nguyễn Thị Lộ (vợ Nguyễn Trãi, nên duyên với Nguyễn Trãi nhờ đi bán chiếu tại Thăng Long) và trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (Trạng Chiếu)...

Saturday, July 26, 2014

Ngày ấy bây giờ

Những năm qua, do tác động của cơ chế thị trường nghề dệt chiếu thủ công có phần giảm sút nhưng Ðảng bộ và chính quyền xã Tân Lễ đã có nhiều chủ trương, giải pháp thúc đẩy nghề và làng nghề phát triển như khuyến khích nhân dân và các doanh nghiệp duy trì phát triển nghề, nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm, khuyến khích du nhập nghề mới về địa phương.
Sản xuất chiếu tại xã Tân Lễ (Hưng Hà). Ảnh: Ngọc Linh

Ông Hà Văn Kết, Chủ tịch UBND xã Tân Lễ (Hưng Hà) cho biết: Nghề dệt chiếu Hới có từ thời Tiền Lê rồi phát triển mạnh ở thời Hậu Lê. Xuất phát từ công lao của ông Phạm Ðôn Lễ khi đi sứ sang Trung Quốc đã học được bí quyết kỹ thuật của nghề dệt chiếu rồi về truyền lại cho người dân trong làng. Từ đó người làng Hới đã có kỹ thuật dệt khung nằm, có ngựa đỡ sợi dọc, làm cho sợi đay căng, chao cói nhanh hơn và chiếu đẹp hơn. Chiếu Hới bắt đầu nổi tiếng từ đây với câu ca “ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới’’.

Ðã có thời ở Tân Lễ người người làm chiếu, nhà nhà làm chiếu, bình quân mỗi hộ trong xã đều có một khung dệt. Những năm qua, do tác động của cơ chế thị trường nghề dệt chiếu thủ công có phần giảm sút nhưng Ðảng bộ và chính quyền xã Tân Lễ đã có nhiều chủ trương, giải pháp thúc đẩy nghề và làng nghề phát triển như khuyến khích nhân dân và các doanh nghiệp duy trì phát triển nghề, nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm, khuyến khích du nhập nghề mới về địa phương. Tân Lễ đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nghề do đồng chí Bí thư Ðảng bộ làm Trưởng ban, giao các thành viên, cấp ủy viên phụ trách từng làng nghề, từng nghề và từng thôn. Ngoài ra, địa phương còn tạo điều kiện tín chấp giúp cho các hộ gia đình vay vốn sản xuất, mua máy dệt chiếu, dành quỹ đất hợp lý để các hộ mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong phát triển nghề và làng nghề. Do đó nghề chiếu cói ở Tân Lễ không chỉ phát triển mạnh mà còn phát triển thêm mặt hàng mới là dệt chiếu nilon.

Với những chủ trương trên, thời gian qua nghề và làng nghề ở Tân Lễ đã phát triển tương đối bền vững. Từ năm 2011 đến nay đã có 5 dự án mở cơ sở sản xuất mới với diện tích 17.000m2 để mở xưởng, quy hoạch hệ thống đường điện, đường giao thông với tổng số vốn 70 tỷ đồng. Nghề dệt chiếu cói truyền thống, năm 2010 duy trì được 1.450 khung dệt, tới năm 2012 có 1.201 hộ duy trì nghề, thu hút 1.305 lao động, sản phẩm hàng năm đều đạt trên 1,5 triệu lá chiếu, giá trị đạt trên 78 tỷ đồng. Trong năm 2010, Tân Lễ có thêm 14 máy dệt chiếu cói, tới nay số lượng máy tăng nhanh với tổng số 63 máy, công suất gấp 60 lần dệt thủ công, thu hút 630 lao động, đạt 695.750 lá chiếu, giá trị đạt trên 55 tỷ đồng. Toàn xã còn có 32 hộ chuyên in chiếu hoa, thu hút 65 lao động. Ngoài ra còn có 256 hộ trồng đay tạo việc làm cho 405 lao động, đem lại thu nhập 1.600 triệu đồng. Ngoài sản xuất phân tán, trong những năm qua đã có 5 doanh nghiệp đầu tư sản xuất chiếu nilon với 255 máy, thu hút 600 lao động, sản xuất đạt 1,3 triệu lá chiếu/năm, giá trị đạt trên 61 tỷ đồng, đem lại thu nhập cho người lao động bình quân đạt từ 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ cơ sở dệt chiếu Tiến Sơn cho biết: Hàng chục năm nay gia đình ông gắn bó với nghề dệt chiếu, tuy nhiên từ hơn 10 năm qua ông đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng mua 6 máy dệt chiếu cói, 45 máy dệt chiếu nilon. Ðặc biệt, cơ sở của ông Sơn còn tự chế nhựa nguyên liệu để làm hoàn thiện sản phẩm chiếu nilon mà không phải nhập bất cứ nguyên liệu nào. Bình quân mỗi tháng cơ sở sản xuất vài nghìn đôi chiếu cói, 9.000 chiếc chiếu nhựa, trong đó 30% sản phẩm xuất sang thị trường Campuchia và Lào, đem lại doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, cơ sở còn tạo việc làm cho hơn 100 lao động trong lúc nông nhàn với thu nhập bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ có ông Sơn, ở Tân Lễ còn có hàng chục cơ sở dệt chiếu lớn như cơ sở Nguyễn Văn Bắc, thôn Bùi Xá đã đầu tư xây dựng 2 nhà xưởng trên diện tích 10.000mvới trên 200 máy dệt, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 1.000 lao động ở trong và ngoài xã; cơ sở Nguyễn Văn Dũng, thôn Hải Triều mạnh dạn vay vốn ngân hàng cùng người thân mua trên 80 máy dệt và máy phụ trợ dệt chiếu, tạo việc làm cho 200 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng, bình quân hàng năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Từ phát triển nghề dệt chiếu truyền thống đến nay đời sống người dân Tân Lễ đã có nhiều khởi sắc. Năm 2013, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 170.980 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 60,05%; tốc độ tăng trưởng kinh tế 15,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 21 triệu đồng/người/năm. Năm 2007, làng Hới - Hải Triều được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vinh danh “Làng nghề Việt Nam’’, năm 2008 được UBND tỉnh công nhận xã nghề, năm 2010 - 2011 được UBND tỉnh tặng Bằng khen, năm 2012 được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc.
Thu Thủy
Share:

0 comments:

Post a Comment

Phổ biến nhất

Bản đồ toàn xã

Fanpage on Facebook