Kênh chia sẻ tin tức nhanh chóng và tin cậy cho bà con

Tân Lễ nằm ở ngã ba sông Luộc và sông Hồng (tên gọi cổ của ngã ba này là cửa Tuần Vườn), giáp ranh với tỉnh Hưng Yên (ranh giới là sông Luộc) và Hà Nam (ranh giới là sông Hồng), là xã đầu tỉnh ở phía tây bắc của tỉnh Thái Bình. Phía Nam và Đông Nam Tân Lễ giáp xã Phú Sơn (tức là thị trấn Hưng Nhân hiện nay), phía Đông là xã Canh Tân, là các xã cùng huyện. Phía Bắc giáp các xã Đức Thắng, Hải Triều, Thiện Phiến của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, phía Tây Bắc và Tây là các xã Thủ Sĩ, Tân Hưng của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên. Phía Tây Nam, Tân Lễ giáp xã Chân Lý huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Tân Lễ có quốc lộ 39 chạy ngang qua, với Cầu Triều Dương bắc qua sông Luộc nối Thái Bình với Hưng Yên. Ngày 23 tháng 2 năm 1977, hợp nhất 2 xã Phạm Lễ và xã Tân Mỹ thành xã Tân Lễ, tên Tân Lễ được ghép từ chữ Tân (trong từ Tân Mỹ) và Lễ (trong từ Phạm Lễ) Làng Hải Triều (tức làng Hới) là một làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghề làm chiếu Hới. Chiếu Hới còn gọi là chiếu Hưng Nhân theo tên huyện cũ, là chiếu Hưng Hà theo tên huyện mới. sản phẩm chiếu dệt thủ công của làng Hới từ lâu đã trở thành một sản phẩm tiêu biểu không chỉ của một địa phương nhỏ, mà của cả một tỉnh nông nghiệp loại lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ và lưu vực sông Hồng. Nghề dệt chiếu Hới thịnh đạt lúc bấy giờ là nhờ công lao của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Hải Triều là quê hương của những danh nhân Nguyễn Thị Lộ (vợ Nguyễn Trãi, nên duyên với Nguyễn Trãi nhờ đi bán chiếu tại Thăng Long) và trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (Trạng Chiếu)...

Monday, May 6, 2013

Chiếu Nẩy làng Hới một thời vang bóng

Nhiều công đoạn trong nghề dệt chiếu vẫn phải làm thủ công.
Những người từng sử dụng chiếu làng Hới, xã Tân Lễ (Hưng Hà) chắc hẳn đã quen với câu ca: “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới”, qua đó thấy được giá trị của một làng nghề nghìn tuổi. Nghề làm chiếu vẫn còn đó nhưng một kỹ thuật làm nên thương hiệu “chiếu Hới” đang đứng trước nguy cơ mất hoàn toàn.
Chiếu Nẩy - một nghệ thuật đỉnh cao
Cách đây vài chục năm, những gia đình giàu có thường đến tận làng Hới để đặt những đôi chiếu Nẩy về dùng hoặc biếu bạn bè. Nói đến chiếu Nẩy làng Hới là nói tới sự hội tụ những tuyệt kỹ tinh xảo nhất của một lá chiếu, từ sự cầu kỳ về nguyên liệu đầu vào đến quy trình lựa cói rồi lên khung go dệt. Ðiều đặc biệt ở chiếu Nẩy chính là kỹ thuật dệt chiếu từ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân.
Hiện nay, ở làng chiếu Hới chỉ duy nhất có ông Ðoàn Trọng Thơm còn giữ được kỹ thuật làm chiếu Nẩy, kỹ thuật đó được người dân tôn vinh như một nghệ thuật tạo nên từ bàn tay khối óc của người thợ nuôi nghề.
Nghề làm chiếu ở làng Hới những tháng giáp hè làm tối ngày không hết việc. Cũng bởi nhu cầu của người tiêu dùng mùa này tăng cao. Nhà nhà sản xuất chiếu, người người tham gia vào các công đoạn làm chiếu. Ông Thơm cho biết: “Ở làng Hới, người làm chiếu thì nhiều nhưng ít ai được truyền cho kỹ thuật làm chiếu Nẩy vì làm chiếu Nẩy đòi hỏi mọi công đoạn phải kỹ càng. Từ khâu chọn cói đến dệt cói rất quan trọng. Chiếu Nẩy đẹp phụ thuộc chủ yếu vào người làm chiếu”. Nhiều năm trở lại đây, nhiều người dân trong làng, ngoài xã và những vùng lân cận đến nhờ ông Thơm truyền dạy lại nghề dệt chiếu Nẩy cho họ, ông cũng không giữ nghề làm của riêng cho mình mà nhiệt tình dạy cho mọi người nhưng ít có người theo được bởi tính kiên trì, nhẫn nại khi làm chiếu Nẩy cũng là một yếu tố góp phần tạo nên một lá chiếu đẹp, đáp ứng yêu cầu.
Chiếu Nẩy khác với lá chiếu Ðậu, chiếu Mòi mà người dân vẫn thường dùng. Chiếu Nẩy không ưa cói Thanh Hóa, cói miền Nam. Muốn làm chiếu Nẩy, người ta chỉ chọn cói An Tràng (Quỳnh Phụ) vì sợi cói mảnh, dẻo dai và bóng, khi lên chiếu sẽ dầy, đẹp. “Có một điều mà các loại chiếu khác không có được chính là ở chỗ chiếu càng dùng càng nền, sáng mặt chiếu. Mùa đông nằm rất ấm, mùa hè thì mát không như chiếu nhựa, chiếu trúc”. Ông Thơm cho biết thêm. So sánh với chiếu Ðậu thì chiếu Nảy tốn nhiều thời gian, chi phí cao và rất khó làm. Thị trường chiếu Nẩy chỉ phù hợp với các gia đình khá giả nên xu hướng làm chiếu Nẩy rất ít. Ðối với chiếu Nẩy, máy móc không thể thay thế đôi bàn tay của con người. mọi công đoạn đều phải tiến hành thủ công. Tuy nhiên cũng theo ông Thơm, nếu biết kết hợp vừa làm chiếu chợ, vừa sản xuất chiếu Nẩy thì người dân sẽ có thêm thu nhập mà cái cốt yếu là giữ được nghề cổ truyền của ông cha.
Những nỗ lực giữ nghề truyền thống
Xã Tân Lễ có gần 3.200 hộ thì 80% hộ gia đình làm nghề dệt chiếu, mỗi năm xuất ra thị trường hàng triệu chiếc chiếu với mẫu mã và chủng loại khác nhau. Giá cả luôn ổn định từ 150.000 - 300.000 đồng/chiếc. Chiếu làng Hới có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, cả làng giờ chỉ còn mình ông Thơm là còn giữ được nghệ thuật làm chiếu Nẩy. Ông vẫn ngày ngày giữ nghề bằng việc nhận làm chiếu Nẩy do bạn hàng đặt. Dù tuổi cao nhưng cái tâm với nghề vẫn còn đó. Mỗi khi có người đặt hàng, ông lại lặn lội sang vùng cói An Tràng chọn cói. “Không phải vì tiền mà chính là vì nghề. Làm được một đôi chiếu Nẩy là mình có thêm một công trình nghệ thuật để góp phần quảng bá nét đẹp làng nghề. Nhiều người yêu thích thì mình, con cháu mình vẫn còn đất sống”. Ông Thơm tâm sự.
Mỗi đôi chiếu Nẩy làm ra cũng chỉ được từ 500.000 - 600.000 đồng/đôi. Lấy công làm lãi cốt là còn giữ được nghề. Nếu nhìn rộng ra một chút, đổi mới kỹ thuật thì ắt hẳn chiếu Nẩy vẫn có thị trường rộng lớn.
Nghề làm chiếu lâu đời đã tạo nên một diện mạo mới cho làng chiếu xã Tân Lễ, nhiều tỷ phú trẻ xuất hiện cũng bởi gắn bó với nghề. Những năm trước đây, làng Hới tự hào có trong tay những ngón nghề độc và có nhiều thợ dệt chiếu Nẩy nổi tiếng như cụ Nguyễn Ngọc Ðiếm, Nguyễn Văn Lương... Chính cụ Ðiếm là người dệt tặng Bác Hồ lá chiếu Nẩy với dòng chữ: "Ðời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại". Phát triển nghề song song với giữ nghề không chỉ là trách nhiệm mà đó còn là một nhiệm vụ quan trọng mà lớp hậu sinh làng Hới phải làm.
Ông  Hà Khắc Kết, Chủ tịch UBND xã Tân Lễ cho biết: “Tân Lễ luôn tự hào có nghề truyền thống dệt chiếu lâu đời. Thực hiện đề án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của địa phương, trong những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, huyện, xã đã nỗ lực trong việc quy hoạch làng nghề. Phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện tín chấp giúp cho các hộ gia đình có nhu cầu vay vốn sản xuất, mua máy dệt chiếu cói, chiếu nilon, giúp các hộ gia đình làm thủ tục hưởng cơ chế hỗ trợ của huyện.
Ðồng thời dành quỹ đất hợp lý, quy hoạch cụm công nghiệp... Ông Kết cho biết thêm: riêng với loại chiếu Nẩy, chỉ còn một nghệ nhân giữ được kỹ thuật làm chiếu. Trong kế hoạch khôi phục nghề, xã đã có nhiều biện pháp nhưng do cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên máy móc tham gia hầu hết các khâu sản xuất. Người làng không mấy ai tha thiết với cách làm thủ công. Do đó, kỹ thuật làm chiếu Nẩy đang đứng trước nguy cơ mai một. Hy vọng trong tương lai gần, người dân làng Hới nhận thức thực sự được giá trị nguyên bản cổ truyền của nó để có biện pháp kịp thời nhằm tôn vinh giá trị nghệ thuật của loại chiếu có một không hai này.
Bài, ảnh:  Tất Đạ


Share:

0 comments:

Post a Comment

Phổ biến nhất

Bản đồ toàn xã

Fanpage on Facebook