Kênh chia sẻ tin tức nhanh chóng và tin cậy cho bà con

Tân Lễ nằm ở ngã ba sông Luộc và sông Hồng (tên gọi cổ của ngã ba này là cửa Tuần Vườn), giáp ranh với tỉnh Hưng Yên (ranh giới là sông Luộc) và Hà Nam (ranh giới là sông Hồng), là xã đầu tỉnh ở phía tây bắc của tỉnh Thái Bình. Phía Nam và Đông Nam Tân Lễ giáp xã Phú Sơn (tức là thị trấn Hưng Nhân hiện nay), phía Đông là xã Canh Tân, là các xã cùng huyện. Phía Bắc giáp các xã Đức Thắng, Hải Triều, Thiện Phiến của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, phía Tây Bắc và Tây là các xã Thủ Sĩ, Tân Hưng của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên. Phía Tây Nam, Tân Lễ giáp xã Chân Lý huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Tân Lễ có quốc lộ 39 chạy ngang qua, với Cầu Triều Dương bắc qua sông Luộc nối Thái Bình với Hưng Yên. Ngày 23 tháng 2 năm 1977, hợp nhất 2 xã Phạm Lễ và xã Tân Mỹ thành xã Tân Lễ, tên Tân Lễ được ghép từ chữ Tân (trong từ Tân Mỹ) và Lễ (trong từ Phạm Lễ) Làng Hải Triều (tức làng Hới) là một làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghề làm chiếu Hới. Chiếu Hới còn gọi là chiếu Hưng Nhân theo tên huyện cũ, là chiếu Hưng Hà theo tên huyện mới. sản phẩm chiếu dệt thủ công của làng Hới từ lâu đã trở thành một sản phẩm tiêu biểu không chỉ của một địa phương nhỏ, mà của cả một tỉnh nông nghiệp loại lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ và lưu vực sông Hồng. Nghề dệt chiếu Hới thịnh đạt lúc bấy giờ là nhờ công lao của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Hải Triều là quê hương của những danh nhân Nguyễn Thị Lộ (vợ Nguyễn Trãi, nên duyên với Nguyễn Trãi nhờ đi bán chiếu tại Thăng Long) và trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (Trạng Chiếu)...

Friday, March 18, 2016

Giữ nghề dệt chiếu cho làng

Người làng Hới tự hào khi có trong tay nhiều ngón nghề độc mà không ở đâu có được. Những độc chiêu đó, qua khung cửi thâu mành đã cho ra chiếu cải, chiếu đậu, chiếu đót, chiếu trơn, chiếu cạp điều, sợi xe, chiếu nẩy...
Công đoạn tạo hình trên mặt chiếu đòi hỏi kỹ thuật cao.
Người dân quảng bá làng nghề
“Dệt chiếu cói phải là cói được trau kỹ lưỡng, lựa từng sợi mảnh thanh, dẻo dai. Có như thế khi lên tấm, chiếu mới trắng, bóng mượt. Người sành sỏi, khi mua chiếu Hới về dùng, phơi qua sương trời một đêm thì càng dùng chiếu càng óng vàng, không bị mốc”. Đó là lời giới thiệu của ông Trần Văn Tú (thôn Hải Triều) khi mới gặp chúng tôi. Theo ông Tú thì đó cũng là cách quảng bá làng nghề với khách viếng thăm.
Trong tiếng máy sợi rộn rã khắp vùng, chúng tôi được ông Tú và những nghệ nhân làng chiếu kể về nguồn cội của làng. Chiếu cói làng Hới có từ thế kỷ thứ X, do Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (người làng Hải Triều) học ở bên Tàu về dạy lại dân làng. Qua nghìn năm, dù cuộc sống dâu bể thăng trầm nhưng mảnh chiếu làng Hới vẫn thế. Có chăng là sự đổi thay về cách làm chiếu bằng máy móc để thay thế công sức con người.
Ông Đoàn Minh Tới - chủ hộ làm chiếu truyền thống thôn Bùi Xá tâm sự: "Ngày trước, khi chưa có máy, để làm ra một tấm chiếu phải mất 2 thợ làm trong 4 ngày, có khi mất cả tuần mới xong một tấm vừa lòng những vị khách kén chọn". Kỹ thuật dệt chiếu truyền thống được lưu truyền đến ngày nay đã tạo nên nét đẹp vốn có của chiếu làng Hới. Mặc dù chiếu cói dệt bằng máy, nhưng chiếu Hới luôn có giá bán cao hơn so với các loại chiếu khác.
Xã Tân Lễ có gần 3.200 hộ thì 75% hộ làm nghề dệt chiếu, mỗi năm xuất ra thị trường hàng triệu chiếc chiếu. Giá cả luôn ổn định từ 150.000-300.000 đồng/chiếc. Chiếu Hới có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Nguồn thu từ bán chiếu đã làm làng quê dần thay da đổi thịt...
Đổi mới cách làm, không đổi cái tâm
Giờ đây về Tân Lễ, khó gặp cảnh những người ngồi đan chiếu, thay vào đó là máy móc, công nghệ tiên tiến. Số lượng chiếu làm ra ngày một nhiều, sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng so với dệt truyền thống không thua kém là mấy.
Anh Phan Văn Sính (thôn Cầu Hà) là một trong những hộ đầu tiên trong xã đưa máy móc vào làm chiếu. Gia đình anh Sính hiện có 6 đầu máy. Mỗi ngày xưởng dệt của anh cho ra lò hơn 100 chiếc chiếu, giá bán 180.000 đồng/chiếu, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 10 người trong thôn. Theo anh Sính, đầu tư cho làm chiếu thấp hơn so với trồng lúa, chăn nuôi, lại tranh thủ được nhân công lúc nông nhàn.
“Hiện nay tuy nhiều loại chiếu nhựa, chiếu mành, nhưng chiếu cói làng Hới vẫn đứng vững trên thị trường”.
Kế xưởng dệt nhà anh Sính là xưởng dệt nhà ông Nguyễn Văn Sanh (thôn Vân Nam) có 15 đầu máy với hơn 40 công nhân. Mỗi ngày gia đình ông xuất đi Lai Châu, Điện Biên hơn 500 đầu chiếu. Ông Sanh tâm sự: "Gia đình tôi đã có 20 năm làm chiếu truyền thống, 5 năm đứng máy. Từ ngày có máy móc đã giảm được đáng kể chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu về 600 triệu đồng lãi".
Không chỉ gia đình anh Sính, ông Sanh thành công trong việc giữ gìn nghề truyền thống mà rất nhiều hộ ở Tân Lễ đang giữ nghề. Những đứa trẻ ở Tân Lễ lên 7, lên 8 đã biết lựa sợi, chuốt đay. Đó là những mầm xanh giữ lại ngón nghề ngàn tuổi mà tổ nghề đã ban cho.
Share:

0 comments:

Post a Comment

Phổ biến nhất

Bản đồ toàn xã

Fanpage on Facebook