Kênh chia sẻ tin tức nhanh chóng và tin cậy cho bà con

Tân Lễ nằm ở ngã ba sông Luộc và sông Hồng (tên gọi cổ của ngã ba này là cửa Tuần Vườn), giáp ranh với tỉnh Hưng Yên (ranh giới là sông Luộc) và Hà Nam (ranh giới là sông Hồng), là xã đầu tỉnh ở phía tây bắc của tỉnh Thái Bình. Phía Nam và Đông Nam Tân Lễ giáp xã Phú Sơn (tức là thị trấn Hưng Nhân hiện nay), phía Đông là xã Canh Tân, là các xã cùng huyện. Phía Bắc giáp các xã Đức Thắng, Hải Triều, Thiện Phiến của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, phía Tây Bắc và Tây là các xã Thủ Sĩ, Tân Hưng của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên. Phía Tây Nam, Tân Lễ giáp xã Chân Lý huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Tân Lễ có quốc lộ 39 chạy ngang qua, với Cầu Triều Dương bắc qua sông Luộc nối Thái Bình với Hưng Yên. Ngày 23 tháng 2 năm 1977, hợp nhất 2 xã Phạm Lễ và xã Tân Mỹ thành xã Tân Lễ, tên Tân Lễ được ghép từ chữ Tân (trong từ Tân Mỹ) và Lễ (trong từ Phạm Lễ) Làng Hải Triều (tức làng Hới) là một làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghề làm chiếu Hới. Chiếu Hới còn gọi là chiếu Hưng Nhân theo tên huyện cũ, là chiếu Hưng Hà theo tên huyện mới. sản phẩm chiếu dệt thủ công của làng Hới từ lâu đã trở thành một sản phẩm tiêu biểu không chỉ của một địa phương nhỏ, mà của cả một tỉnh nông nghiệp loại lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ và lưu vực sông Hồng. Nghề dệt chiếu Hới thịnh đạt lúc bấy giờ là nhờ công lao của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Hải Triều là quê hương của những danh nhân Nguyễn Thị Lộ (vợ Nguyễn Trãi, nên duyên với Nguyễn Trãi nhờ đi bán chiếu tại Thăng Long) và trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (Trạng Chiếu)...

Sunday, December 23, 2012

Tân Lễ phát triển trang trại, gia trại




Nhiều năm qua, xã Tân Lễ (Hưng Hà) luôn chú trọng đẩy mạnh chăn nuôi, coi đây là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế. Từ năm 2002, chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại ở Tân Lễ bắt đầu phát triển mạnh. Đến nay, toàn xã có 22 trang trại, 81 gia trại cho năng suất cao, hiệu quả ổn định.
Khu chuồng nuôi lợn của gia đình chị Trần Thị Hoài (thôn Hà Xá 2, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà).
Chị Trần Thị Hoài (thôn Hà Xá 2) tâm sự: Gia đình mở rộng chăn nuôi từ năm 2006. Với 4.000m2 đất, tôi dành 720m2 xây dựng chuồng trại nuôi 20 lợn nái và hơn 200 lợn thịt. Khu chăn nuôi bố trí hợp lý, khoa học, được lắp đặt hệ thống quạt thông gió, hệ thống máng ăn, uống tự động và xây bể biogas chứa 15mchất thải vừa bảo đảm vệ sinh môi trường giúp vật nuôi sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh vừa làm nhiên liệu giảm chi phí sinh hoạt hàng ngày. Được biết, một năm chị Hoài xuất bán 3 lứa lợn, tổng doanh thu 2,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 200 - 250 triệu đồng. Nhờ chịu khó học hỏi, luôn tìm tòi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhiều năm qua đàn vật nuôi của gia đình chị Hoài không bị dịch bệnh, cho năng suất cao, hiệu quả ổn định. Ngoài chăn nuôi, chị còn mở đại lý kinh doanh thức ăn gia súc phục vụ nhu cầu của người dân và tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Về thôn Quan Khê, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Chấn. Trên diện tích đất 200m2 ông nuôi 50 con lợn thịt. Ông Chấn chia sẻ: Nếu chăm sóc tốt, lợn không bị dịch bệnh, một năm trung bình sẽ xuất bán từ 2 - 3 lứa, doanh thu khoảng 500 - 600 triệu đồng, lãi từ 55 - 60 triệu đồng. Ngoài nuôi lợn, ông còn thả nuôi từ 300 - 400 con gà thịt, doanh thu khoảng 100 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt  khoảng 15 - 20 triệu đồng. Trong nhiều cách thoát nghèo, làm giàu khác nhau, nhiều người dân Tân Lễ chọn chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại để vươn lên cải thiện đời sống, và họ đã thành công.
Ông Nguyễn Anh Mai, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Lễ cho biết: Nhằm đẩy mạnh chăn nuôi, khuyến khích người dân tích cực phát triển trang trại, gia trại, huyện đã hỗ trợ 100% vắc-xin lở mồm long móng, dịch tả…; chính quyền xã có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, chủ động tuyên truyền, định hướng người dân ra vùng chuyển đổi, tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng, mở rộng quy mô sản xuất. Hàng năm, xã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức cho cán bộ thú y và các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi để bà con có thêm kiến thức phòng dịch, phục vụ chăn nuôi của gia đình.
Để mô hình trang trại, gia trại của địa phương ngày càng phát triển, trở thành hướng làm giàu bền vững, ổn định, Tân Lễ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về cơ chế, chính sách phát triển trang trại, gia trại; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ trang trại, gia trại được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Phạm Huế
Share:

0 comments:

Post a Comment

Phổ biến nhất

Bản đồ toàn xã

Fanpage on Facebook