Kênh chia sẻ tin tức nhanh chóng và tin cậy cho bà con

Tân Lễ nằm ở ngã ba sông Luộc và sông Hồng (tên gọi cổ của ngã ba này là cửa Tuần Vườn), giáp ranh với tỉnh Hưng Yên (ranh giới là sông Luộc) và Hà Nam (ranh giới là sông Hồng), là xã đầu tỉnh ở phía tây bắc của tỉnh Thái Bình. Phía Nam và Đông Nam Tân Lễ giáp xã Phú Sơn (tức là thị trấn Hưng Nhân hiện nay), phía Đông là xã Canh Tân, là các xã cùng huyện. Phía Bắc giáp các xã Đức Thắng, Hải Triều, Thiện Phiến của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, phía Tây Bắc và Tây là các xã Thủ Sĩ, Tân Hưng của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên. Phía Tây Nam, Tân Lễ giáp xã Chân Lý huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Tân Lễ có quốc lộ 39 chạy ngang qua, với Cầu Triều Dương bắc qua sông Luộc nối Thái Bình với Hưng Yên. Ngày 23 tháng 2 năm 1977, hợp nhất 2 xã Phạm Lễ và xã Tân Mỹ thành xã Tân Lễ, tên Tân Lễ được ghép từ chữ Tân (trong từ Tân Mỹ) và Lễ (trong từ Phạm Lễ) Làng Hải Triều (tức làng Hới) là một làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghề làm chiếu Hới. Chiếu Hới còn gọi là chiếu Hưng Nhân theo tên huyện cũ, là chiếu Hưng Hà theo tên huyện mới. sản phẩm chiếu dệt thủ công của làng Hới từ lâu đã trở thành một sản phẩm tiêu biểu không chỉ của một địa phương nhỏ, mà của cả một tỉnh nông nghiệp loại lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ và lưu vực sông Hồng. Nghề dệt chiếu Hới thịnh đạt lúc bấy giờ là nhờ công lao của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Hải Triều là quê hương của những danh nhân Nguyễn Thị Lộ (vợ Nguyễn Trãi, nên duyên với Nguyễn Trãi nhờ đi bán chiếu tại Thăng Long) và trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (Trạng Chiếu)...

Wednesday, March 18, 2015

Nữ Bí thư Đảng ủy giỏi việc nước, đảm việc nhà

“Điều quan trọng nhất của người làm công tác đảng là phải có phẩm chất đạo đức tốt, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, gương mẫu về mọi mặt”… - đó là tâm sự của đồng chí Nguyễn Thị Viết, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lễ (Hưng Hà), người không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hết lòng vì công việc chung và chu toàn với gia đình.

Đồng chí Nguyễn Thị Viết, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lễ (Hưng Hà) không ngừng học tập và làm theo gương Bác.

Ngay từ nhỏ, cô đã ham học hỏi, rất thích đọc những cuốn sách viết về thời niên thiếu của Bác Hồ, các tuyển tập về cuộc đời Lê - nin, tuổi trẻ của Các - mác, các tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”, “Theo chân Bác”… Khi trưởng thành cô tích cực tham gia công tác tại địa phương, nên năm 1985, khi vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Thị Viết vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Phát huy tính gương mẫu của người cán bộ, đảng viên ở bất kỳ cương vị nào: kế toán HTX DVNN, Chủ nhiệm HTX DVNN, Bí thư Đoàn, Phó Chủ tịch HĐND xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã, Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Từ năm 2011 đến nay, trên cương vị là Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí luôn nêu cao tính gương mẫu trước tập thể, tập trung trí tuệ, nghiên cứu và tìm các biện pháp để cùng cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của địa phương. Khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm từ thế hệ đi trước, lắng nghe ý kiến đóng góp từ đồng nghiệp. Không ngừng trau dồi kiến thức xây dựng Đảng, học tập để nâng cao trình độ, cùng với tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ xã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện tốt công tác cán bộ; giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; kiểm tra, giám sát trong Đảng; dân vận để xây dựng Đảng bộ xã ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Với đặc điểm là xã có dân số đông, diện tích đất nông nghiệp ít, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân, những năm qua, đồng chí đã cùng cấp ủy địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo động viên nhân dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, thâm canh tăng vụ, đưa những giống cây, con có hiệu quả kinh tế cao vào nuôi trồng. Diện tích cây vụ đông hàng năm toàn xã chiếm từ 90 - 95% diện tích đất canh tác, trở thành vụ sản xuất chính trong năm. Toàn xã có 20 trang trại, 81 gia trại chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả, thường xuyên duy trì đàn gia súc gần 2.000 con, đàn gia cầm gần 70.000 con. Tân Lễ được công nhận là xã nghề với 27 ngành nghề, giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động với mức thu nhập 2,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy, kinh tế của địa phương tiếp tục phát triển mạnh, tổng giá trị sản xuất năm 2014 ước đạt 599 tỷ 192 triệu đồng (bằng 115,3% so với kế hoạch), năng suất lúa bình quân đạt 13 tấn/ha.

Khi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới, nêu cao tinh thần gương mẫu của người cán bộ chủ chốt, đồng chí Nguyễn Thị Viết thường xuyên xuống địa bàn khu dân cư, nắm bắt tư tưởng của nhân dân, những vướng mắc ở cơ sở cùng với Ban Chấp hành Đảng bộ xã tìm biện pháp tháo gỡ. Chỉ đạo các chi bộ, làm tốt công tác dân vận, phát huy tính làm chủ của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Sau 4 năm xây dựng nông thôn mới, Tân Lễ đã huy động tổng nguồn vốn đầu tư 78,31 tỷ đồng, hoàn thành 19/19 tiêu chí vào tháng 11/2014, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn...

Đến nay, đồng chí Nguyễn Thị Viết đã có 32 năm tham gia công tác tại địa phương, tròn 30 năm tuổi Đảng. Trong thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không chỉ cá nhân Bí thư Nguyễn Thị Viết đạt thành tích xuất sắc mà tập thể Đảng bộ xã Tân Lễ cũng đạt trong sạch vững mạnh nhiều năm liền, được Ban Thường vụ Huyện ủy Hưng Hà biểu dương, khen thưởng.

Thanh Huyền
Share:

0 comments:

Post a Comment

Phổ biến nhất

Bản đồ toàn xã

Fanpage on Facebook