Kênh chia sẻ tin tức nhanh chóng và tin cậy cho bà con

Tân Lễ nằm ở ngã ba sông Luộc và sông Hồng (tên gọi cổ của ngã ba này là cửa Tuần Vườn), giáp ranh với tỉnh Hưng Yên (ranh giới là sông Luộc) và Hà Nam (ranh giới là sông Hồng), là xã đầu tỉnh ở phía tây bắc của tỉnh Thái Bình. Phía Nam và Đông Nam Tân Lễ giáp xã Phú Sơn (tức là thị trấn Hưng Nhân hiện nay), phía Đông là xã Canh Tân, là các xã cùng huyện. Phía Bắc giáp các xã Đức Thắng, Hải Triều, Thiện Phiến của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, phía Tây Bắc và Tây là các xã Thủ Sĩ, Tân Hưng của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên. Phía Tây Nam, Tân Lễ giáp xã Chân Lý huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Tân Lễ có quốc lộ 39 chạy ngang qua, với Cầu Triều Dương bắc qua sông Luộc nối Thái Bình với Hưng Yên. Ngày 23 tháng 2 năm 1977, hợp nhất 2 xã Phạm Lễ và xã Tân Mỹ thành xã Tân Lễ, tên Tân Lễ được ghép từ chữ Tân (trong từ Tân Mỹ) và Lễ (trong từ Phạm Lễ) Làng Hải Triều (tức làng Hới) là một làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghề làm chiếu Hới. Chiếu Hới còn gọi là chiếu Hưng Nhân theo tên huyện cũ, là chiếu Hưng Hà theo tên huyện mới. sản phẩm chiếu dệt thủ công của làng Hới từ lâu đã trở thành một sản phẩm tiêu biểu không chỉ của một địa phương nhỏ, mà của cả một tỉnh nông nghiệp loại lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ và lưu vực sông Hồng. Nghề dệt chiếu Hới thịnh đạt lúc bấy giờ là nhờ công lao của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Hải Triều là quê hương của những danh nhân Nguyễn Thị Lộ (vợ Nguyễn Trãi, nên duyên với Nguyễn Trãi nhờ đi bán chiếu tại Thăng Long) và trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (Trạng Chiếu)...

Monday, March 18, 2013

Cây ngô lai trên vùng đất bãi Tân Lễ

Những năm gần đây, xã Tân Lễ (Hưng Hà) không chỉ được biết đến là vùng cung cấp đậu tương giống cho các địa phương khác mà còn là vùng chuyên canh sản xuất các giống ngô lai có giá trị kinh tế cao của huyện. Qua nhiều năm đưa cây ngô vào trồng trên đất bãi, đến nay đã khẳng định hiệu quả kinh tế cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng lạc trước kia, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người nông dân trong xã.
Nông dân xã Tân Lễ (Hưng Hà) chăm bón ngô trên vùng đất bãi.
Tân Lễ có lợi thế là một trong những xã có diện tích đất bãi ven sông lớn với khoảng 170 ha. Những năm trước đây, diện tích đất bãi chỉ trồng lạc cho hiệu quả kinh tế thấp, đời sống nhân dân bấp bênh. Chính quyền xã đã tích cực vận động người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa nhiều giống cây mới vào thử nghiệm, chọn ngô lai làm cây trồng chủ lực trên vùng đất bãi. Đến nay, cây ngô đã chứng tỏ được hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng đất này, hàng năm ngô cho năng suất cao, nhờ đó đời sống kinh tế của bà con trong xã ngày càng ổn định.
Đi dọc trên đê ven sông Luộc đoạn qua xã Tân Lễ, đâu đâu chúng tôi cũng thấy màu xanh bạt ngàn của cánh đồng ngô, cả những vùng đất trước đây bỏ hoang nay cũng được đưa vào sử dụng. Trên cánh đồng thôn Tân Hà, vợ chồng bác Trần Công Chấp đang chăm bón cho 7 sào ngô, hai bác vui vẻ cho biết: Từ khi UBND xã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây ngô lai vào trồng trên vùng đất bãi thì cuộc sống gia đình khá lên hẳn. Cây ngô lai không chỉ dễ chăm sóc mà cho hiệu quả kinh tế cao gấp từ 2 đến 3 lần so với trồng lạc.
Không những vậy, nếu trước kia hàng năm chỉ trồng được 2 vụ lạc thì đến nay trên cùng một diện tích canh tác, các gia đình có thể trồng tới 3 vụ, trong đó 2 vụ ngô và 1 vụ đậu tương. Sản phẩm ngô sau thu hoạch ngoài mục đích phục vụ cho chăn nuôi của địa phương còn có thể bán cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Hưng Yên. Hiện nay từ việc luân canh ngô và đậu tương có thể thu tới trên 150 triệu đồng/ha/năm.
Sau gần chục năm cây ngô lai bén rễ trên vùng đất bãi Tân Lễ, đến nay đã có hàng trăm hộ trồng ngô với diện tích từ 2 sào cho đến hàng mẫu/hộ. Cũng nhờ cây ngô mà cuộc sống của người dân nơi đây đang dần được cải thiện. Hàng năm, HTX DVNN thường xuyên kết hợp Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc ngô cho bà con nông dân.
Bên cạnh đó, HTX Tân Lễ còn tiếp thu các giống ngô mới có năng suất cao cho bà con sản xuất. Các giống ngô được trồng chủ yếu hiện nay là NK6326, NK.6654 và ngô lai Bioseed B.265. Nhờ chú trọng chăm sóc nên hiện nay toàn bộ diện tích ngô đông của xã phát triển tốt, đang trong giai đoạn trổ cờ phun râu và sẽ cho thu hoạch vào tháng 12 tới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Võ, Phó Chủ nhiệm HTX DVNN Tân Lễ cho biết: “Để giúp người dân phát triển kinh tế, UBND xã Tân Lễ thường xuyên vận động bà con đưa vào trồng thử nghiệm nhiều loại cây trên vùng đất bãi, từ đó xác định ngô là cây phù hợp với tổng diện tích hơn 150 ha/vụ. Nhờ trồng ngô mà chăn nuôi trong xã cũng phát triển, đến nay toàn xã đã hình thành hàng chục trang trại và 200 gia trại; khoảng 1.500 con trâu bò, 5.700 con lợn và hơn 78.000 con gia cầm; diện tích nuôi thả thủy sản hơn 45 ha; kinh tế của xã đang phát triển khá ổn định, đời sống nhân dân đang đổi thay từng ngày”.
Share:

0 comments:

Post a Comment

Phổ biến nhất

Bản đồ toàn xã

Fanpage on Facebook