Kênh chia sẻ tin tức nhanh chóng và tin cậy cho bà con

Tân Lễ nằm ở ngã ba sông Luộc và sông Hồng (tên gọi cổ của ngã ba này là cửa Tuần Vườn), giáp ranh với tỉnh Hưng Yên (ranh giới là sông Luộc) và Hà Nam (ranh giới là sông Hồng), là xã đầu tỉnh ở phía tây bắc của tỉnh Thái Bình. Phía Nam và Đông Nam Tân Lễ giáp xã Phú Sơn (tức là thị trấn Hưng Nhân hiện nay), phía Đông là xã Canh Tân, là các xã cùng huyện. Phía Bắc giáp các xã Đức Thắng, Hải Triều, Thiện Phiến của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, phía Tây Bắc và Tây là các xã Thủ Sĩ, Tân Hưng của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên. Phía Tây Nam, Tân Lễ giáp xã Chân Lý huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Tân Lễ có quốc lộ 39 chạy ngang qua, với Cầu Triều Dương bắc qua sông Luộc nối Thái Bình với Hưng Yên. Ngày 23 tháng 2 năm 1977, hợp nhất 2 xã Phạm Lễ và xã Tân Mỹ thành xã Tân Lễ, tên Tân Lễ được ghép từ chữ Tân (trong từ Tân Mỹ) và Lễ (trong từ Phạm Lễ) Làng Hải Triều (tức làng Hới) là một làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghề làm chiếu Hới. Chiếu Hới còn gọi là chiếu Hưng Nhân theo tên huyện cũ, là chiếu Hưng Hà theo tên huyện mới. sản phẩm chiếu dệt thủ công của làng Hới từ lâu đã trở thành một sản phẩm tiêu biểu không chỉ của một địa phương nhỏ, mà của cả một tỉnh nông nghiệp loại lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ và lưu vực sông Hồng. Nghề dệt chiếu Hới thịnh đạt lúc bấy giờ là nhờ công lao của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Hải Triều là quê hương của những danh nhân Nguyễn Thị Lộ (vợ Nguyễn Trãi, nên duyên với Nguyễn Trãi nhờ đi bán chiếu tại Thăng Long) và trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (Trạng Chiếu)...

Sunday, March 18, 2012

Hội chiếu làng Hới

Làng Hới, nay là Hải Triều, thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Từ xưa, làng này đã nổi tiếng với nghề dệt chiếu, dân gian còn nhắc nhau câu cửa miệng: “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới”.

Tương truyền, nghề dệt chiếu Hải Triều do ông “Trạng chiếu” Phạm Đôn Lễ truyền dạy. Nhân một chuyến đi sứ sang Tàu, ông đã cố học cách dệt chiếu đẹp để mang về dạy cho dân như một cách để bày tỏ sự hiếu thảo và niềm nhớ cội thương nguồn của mình đối với quê hương xứ sở.  Từ đó, một nghề thủ công tinh xảo đã được lưu truyền và mang lại tiếng thơm cho làng Hới Thái Bình.

Khi “Trạng chiếu” mất, người dân lập đền thờ gọi là đền Quan Trạng, quanh năm hương khói. Lễ hội tưởng nhớ đến công ơn của Quan Trạng được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng giêng hàng năm, tương truyền đó là ngày Phạm Đôn Lễ mất. Trong lễ hội, ngoài phần lễ nghi, người ta còn tổ chức hội thi dệt chiếu rất sôi nổi thu hút dân trong vùng và khách thập phương đến tham dự.

Đền thờ Phạm Đôn Lễ - ông tổ nghề chiếu làng Hới. Ảnh: Internet

Lễ hội làng Hới bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu “Trạng chiếu”. Từ sáng sớm ban khánh tiết và những người có trách nhiệm đã tề tựu đông đủ để làm lễ rước. Đám rước diễn ra rất long trọng với đầy đủ cờ xí, chấp kích, bát bửu, chiêng trống, kiệu thánh, dàn bát âm… Dân làng theo đám rước rất đông. Lễ rước thể hiện lòng biết ơn của dân làng đối với “ông tổ nghề” cũng như lòng yêu mến đối với người con hiếu thảo của quê hương.

Hội chiếu hấp dẫn bởi cuộc thi chiếu và thi dệt chiếu. Thi chiếu là các nhà, các giáp thi nhau trưng bày những chiếc chiếu đẹp nhất của mình tại hội chiếu để xem chiếu nhà ai đẹp nhất. Ban tổ chức quy định từng khu vực ở chợ cho người dân bày chiếu thi. Chợ rực lên muôn màu sắc và hoa văn tuyệt đẹp từ những chiếc chiếu được dệt hết sức khéo léo của dân làng Hới. Chiếu cải, chiếu đậu, chiếu đót, chiếu trơn, chiếu kẻ sọc màu, chiếu in hoa, chiếu cạp điều… đủ loại, đủ cỡ, đủ sắc cuốn hút người xem.

Những tấm chiếu rực lên sắc màu từ bàn tay của những người thợ tài hoa. Ảnh: Internet

Ai có chiếu đẹp nhất sẽ được nhận giải thưởng, tuy giá trị phần thưởng không lớn lắm nhưng đó là niềm tự hào của người thắng cuộc. Giải thưởng là lộc thánh ban, ai cũng hi vọng được gặp nhiều may mắn trong năm, làm ăn phát đạt và sức khỏe dồi dào. Hơn nữa, nó còn thể hiện được tài năng và sự khéo léo, tinh thần hăng say lao động của mọi người.

Vui nhất và hấp dẫn nhất vẫn là cuộc thi dệt chiếu. Nếu tại hội chợ chiếu là những chiếc chiếu được bày sẵn cho mọi người chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoàn mỹ của nó thì tại cuộc thi dệt chiếu, người ta sẽ được tận mắt chứng kiến sự ra đời của chiếc chiếu tinh xảo dưới đôi bàn tay khéo léo của người thợ. Thật sống động, thật hấp dẫn!

Mỗi giáp cử những người thợ tài hoa nhất để tham dự cuộc thi. Ai cũng tập luyện rất siêng năng và chăm chỉ để mong giành giải trong cuộc thi. Để thử thách tay nghề của người thợ, đề thi thường là dệt chiếu hoa vì dệt loại chiếu này khá phức tạp với nhiều hoa văn, họa tiết và màu sắc. Sau tiếng trống hiệu, các thí sinh đua nhau thi tài, mỗi chiếu hai người dệt, trao gon, dập gon thoăn thoắt trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người. Cặp đôi nào dệt chiếu đẹp nhất, chắc tay và pha màu giỏi sẽ được nhận giải trong niềm chung vui của tất cả mọi người.

Họ không chỉ nhận được phần thưởng mà còn nhận được cả lòng yêu mến và ngưỡng mộ về sự tài hoa. Hơn nữa, cặp đôi thắng cuộc còn mang lại uy tín, tiếng tăm cho cả giáp, cả họ mình. Nhân cuộc thi mà người ta được giao lưu, học hỏi, rút kinh nghiệm và nâng cao tay nghề. Cuộc thi giúp tất cả mọi người cảm thấy hào hứng hơn và nhiệt huyết hơn, thêm yêu mến và tự hào đối với nghề nghiệp của mình.
Share:

0 comments:

Post a Comment

Phổ biến nhất

Bản đồ toàn xã

Fanpage on Facebook