Kênh chia sẻ tin tức nhanh chóng và tin cậy cho bà con

Tân Lễ nằm ở ngã ba sông Luộc và sông Hồng (tên gọi cổ của ngã ba này là cửa Tuần Vườn), giáp ranh với tỉnh Hưng Yên (ranh giới là sông Luộc) và Hà Nam (ranh giới là sông Hồng), là xã đầu tỉnh ở phía tây bắc của tỉnh Thái Bình. Phía Nam và Đông Nam Tân Lễ giáp xã Phú Sơn (tức là thị trấn Hưng Nhân hiện nay), phía Đông là xã Canh Tân, là các xã cùng huyện. Phía Bắc giáp các xã Đức Thắng, Hải Triều, Thiện Phiến của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, phía Tây Bắc và Tây là các xã Thủ Sĩ, Tân Hưng của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên. Phía Tây Nam, Tân Lễ giáp xã Chân Lý huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Tân Lễ có quốc lộ 39 chạy ngang qua, với Cầu Triều Dương bắc qua sông Luộc nối Thái Bình với Hưng Yên. Ngày 23 tháng 2 năm 1977, hợp nhất 2 xã Phạm Lễ và xã Tân Mỹ thành xã Tân Lễ, tên Tân Lễ được ghép từ chữ Tân (trong từ Tân Mỹ) và Lễ (trong từ Phạm Lễ) Làng Hải Triều (tức làng Hới) là một làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghề làm chiếu Hới. Chiếu Hới còn gọi là chiếu Hưng Nhân theo tên huyện cũ, là chiếu Hưng Hà theo tên huyện mới. sản phẩm chiếu dệt thủ công của làng Hới từ lâu đã trở thành một sản phẩm tiêu biểu không chỉ của một địa phương nhỏ, mà của cả một tỉnh nông nghiệp loại lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ và lưu vực sông Hồng. Nghề dệt chiếu Hới thịnh đạt lúc bấy giờ là nhờ công lao của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Hải Triều là quê hương của những danh nhân Nguyễn Thị Lộ (vợ Nguyễn Trãi, nên duyên với Nguyễn Trãi nhờ đi bán chiếu tại Thăng Long) và trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (Trạng Chiếu)...
  • Khái quát chung về xã Tân Lễ

    Tân Lễ nằm ở ngã ba sông Luộc và sông Hồng (tên gọi cổ của ngã ba này là cửa Tuần Vườn), giáp ranh với tỉnh Hưng Yên (ranh giới là sông Luộc) và Hà Nam (ranh giới là sông Hồng).

  • Giới thiệu trường THCS Phạm Đôn Lễ

    Trường THCS Tân Lễ được thành lập năm 1967 theo quyết định của UBND huyện Hưng Hà do hai trường PTCS Tân Mỹ và PTCS Phạm Lễ hợp thành, lúc đó trường có tên là trường PTCS Tân Lễ. Năm 1993 trường được tách ra từ trường PTCS Tân Lễ.

  • Giới thiệu làng Hới

    Chiếu Hới còn gọi là chiếu Hưng Nhân theo tên huyện cũ, là chiếu Hưng Hà theo tên huyện mới, và chiếu Thái Bình (tên tỉnh). sản phẩm chiếu dệt thủ công của làng Hới từ lâu đã trở thành một sản phẩm tiêu biểu không chỉ của một địa phương nhỏ, mà của cả một tỉnh nông nghiệp loại lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ và lưu vực sông Hồng.

  • Giới thiệu tam nguyên - trạng nguyên Phạm Đôn Lễ

    Phạm Đôn Lễ (1457-1531) đỗ Trạng nguyên năm 1481 đời vua Lê Thánh Tông. Ông cũng đỗ đầu cả kỳ thi Hương, thi Hội nên được coi là vị Tam nguyên đầu tiên của lịch sử khoa bảng Việt Nam. Ông làm quan đến Tả thị lang, Thượng thư.

  • Giới thiệu lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ

    Nguyễn Thị Lộ (1400 -1442), là vợ thứ của danh thần Nguyễn Trãi và là một nữ quan nhà Lê trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi bà từ lâu đã gắn liền với vụ thảm án Lệ Chi Viên xảy ra vào năm Nhâm Tuất (1422), dẫn đến cái chết của vợ chồng bà và cái án tru di tam tộc.

Showing posts with label village. Show all posts
Showing posts with label village. Show all posts

Wednesday, March 30, 2016

Flycam cánh đồng xã Tân Lễ


Flycam cánh đồng ngô xã Tân Lễ
-Nhạc nền: Nắng ấm quê hương Thể hiện: ca sĩ Anh Thơ.
-Nguồn video Flycam Youtube.
-Tác giả có thể liên lạc với Admin nếu video trên vi phạm bản quyền theo đường link liên hệ bên trên.
Share:

Monday, February 22, 2016

Lễ công bố Quyết định huyện Hưng Hà đạt chuẩn Quốc gia nông thôn mới và Khai mạc lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2016

Đêm ngày 20/02/2016 ( tức ngày 13 tháng Giêng năm Bính Thân), tại di tích Quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, Huyện ủy- HĐND- UBND- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Hưng Hà đạt chuẩn nông thôn mới và khai mạc Lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2016. Đồng chí Trần Quốc Vượng- Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng; Đồng chí Vũ Văn Ninh- Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Phạm Văn Sinh- Bí thư Tỉnh ủy; Đồng chí Nguyễn Hồng Diên- Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đồng chí Đặng Trọng Thăng- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đồng chí  Nguyễn Hồng Chuyên- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Đồng chí Vũ Tiến Khoái- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Đồng chí Nguyễn Thanh Tuyền- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Lãnh đạo một số Bộ, Sở, ban ngành của Trung ương, của tỉnh và các huyện, thành phố; Các đồng chí Thường trực Huyện ủy- HĐND- lãnh đạo UBND huyện và đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương đã tới dự.
Lễ bái yết các vua Trần
Trước đó, các đồng chí lãnh đạo của Trung ương, tỉnh Thái Bình, huyện Hưng Hà và các đại biểu đã làm lễ bái yết dâng hương tưởng niệm các vua triều Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà
Các Đại biểu của Trung ương, tỉnh Thái Bình và huyện Hưng Hà làm lễ chào cờ
Đ/c Vũ Văn Ninh- Phó Thủ tướng Chính phủ
trao Bằng công nhận huyện Hưng Hà đạt chuẩn quốc gia NTM
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, 5 năm qua, Huyện ủy- HĐND- UBND huyện đã tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo; phát động phong trào: “ Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà chung tay xây dựng nông thôn mới” huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; đồng thời tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện đã có 29/33 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 87,88% tổng số xã trong huyện. Ngày 16/02/2016, huyện Hưng Hà đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 249/QĐ-TTg công nhận Hưng Hà đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.
Đ/c Trần Quốc Vượng- Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng
đánh trống khai mạc lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2016
Lễ hội Đền Trần Thái Bình hội tụ khá đầy đủ những di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ rước nước, Lễ giao chạ, thi cỗ cá thời Trần, các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, dân vũ đậm nét văn hóa thời Trần. Hàng vạn đồng bào, du khách trong và ngoài nước đã về dâng hương các vị vua Trần, trẩy hội và chung vui với Hưng Hà, Thái Bình nhân sự kiện đặc biệt này.
Sau Lễ đón nhận Bằng công nhận huyện Hưng Hà đạt chuẩn nông thôn mới, du khách được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc với màn biểu diễn trống hội Long Hưng, múa rồng, múa lân của các nghệ nhân dân gian địa phương và màn sử thi “Sáng mãi một Vương Triều” do đội văn nghệ của Trung tâm văn hóa huyện biểu diễn. Nội dung xuyên suốt của màn sử thi nói lên quá trình phát tích và dựng nghiệp của Vương triều Trần trên mảnh đất Long Hưng xưa- Hưng Hà ngày nay. Kết thúc lễ khai mạc là màn bắn pháo hoa tầm thấp trong niềm vui của hàng vạn người trong và ngoài huyện hành hương về với Hưng Hà- miền quê huyền thoại, nơi phát tích- khởi nghiệp của nhà Trần.
Sau đêm khai mạc, Ban tổ chức Lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2016 tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc của vùng châu thổ sông Hồng, biểu diễn văn hóa, văn nghệ nhằm quảng bá, giới thiệu các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tới đông đảo du khách thập phương trong và ngoài nước; kết nối chặt chẽ hơn giữa Khu di tích quốc gia đặc biệt - Lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần tại Thái Bình với hệ thống các tuyến du lịch lịch sử - văn hóa - tâm linh của cả nước. Trong phần hội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa giải trí, trò chơi dân gian, đặc biệt ngày rằm tháng Giêng sẽ diễn ra Ngày thơ Việt Nam. Lễ hội sẽ kết thúc cùng với Lễ giỗ Thái tổ Trần Thừa vào ngày 18 tháng Giêng năm Bính Thân ( tức ngày 25/02/2016).
Một số hình ảnh khai mạc Lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2016
Đ/c Nguyễn Hồng Diên- Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình
phát biểu tại buổi lễ
Đ/c Vũ Tiến Khoái- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện
đọc diễn văn khai mạc lễ hội và kết quả xây dựng NTM
Đ/c Đỗ Văn Bình- Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện
tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu
Lễ rước bộ, rước nước tại Đền Trần Thái Bình, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà
Múa rồng tại sân cổng ngũ Thiên Môn
 
Màn sử thi “Sáng mãi một Vương Triều" do đội văn nghệ Trung tâm văn hóa huyện biểu diễn
 
Bắn pháo hoa tại Đền Trần xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà
Đài phát thanh Hưng Hà
Share:

Tuesday, December 8, 2015

Năng động nghề dệt chiếu Tân Lễ


Hiện chiếu Hới có rất nhiều loại: chiếu cài hoa, chiếu đậu, chiếu dặm, chiếu cạp điều, chiếu đót, chiếu sợi xe… với nhiều kích cỡ khác nhau. Ông Hà Đắc Đĩnh- một hộ dệt chiếu có tiếng của xã cho biết: ‘Một số loại chiếu đặc biệt, chúng tôi chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng. Chẳng hạn, chiếu đậu, chiếu sợi xe dệt dày, tẩy trắng, đay vê săn chắc, nằm mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Một chiếc chiếu đậu có thể nặng tới 10kg. Chiếu cói hoa được dệt theo hình những bông hoa nhỏ li ti, đan lại rất tinh xảo lại in thêm hình rồng, phượng… Xưa, chiếu này được đem vào cung tiến vua. Giá của hai loại chiếu nói trên khá cao, từ 80.000đ đến 180.000đ/chiếc. Dệt một chiếc chiếu như vậy cần tới hai lao động làm việc miệt mài cả tuần lễ’.

Từ xa xưa chiếu Hới (xã Tân Lễ-huyện Hưng Hà) đã nổi tiếng trong và ngoài tỉnh với những lá chiếu bóng bẩy mượt mà. Ngày nay, cơ chế thị trường mở ra, mặc dù phải cạnh tranh với nhiều loại chiếu, nhất là chiếu trúc của Trung Quốc song chiếu Hới vẫn đững vững và phát triển nhờ sự năng động của làng nghề, sản phẩm hàng hoá được đa dạng về mẫu mã, giá cả, những doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất mang tính ‘chuyên nghiệp’ thành lập ngày một nhiều. Nghề dệt chiếu đang là hướng làm giàu của nhiều hộ gia đình nơi đây.



NÉT ĐẸP LÀNG CHIẾU
Vừa đến đầu làng cảnh tượng đầu tiên chúng tôi gặp những xe trở hàng ra vào tất bật, mùi cói thơm nồng được phơi khắp ngoài sân, ven đường. Tân Lễ đang từng ngày thay da đổi thịt, đường thôn, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, những ngôi nhà cao tầng đang mọc lên san sát, thu nhập bình quân đầu người đạt hn 5 triệu đồng/ người/ năm, người dân trong xã không còn phải tất bật lo toan về miếng cơm manh áo hàng ngày. Có được cuộc sống sung túc như ngày nay là do người dân Tân Lễ đã biết kết hợp lao động nông nghiệp với làm nghề thủ công truyền thống.
Theo những người cao tuổi trong làng kể lại, nghề dệt chiếu Hới có từ thời Tiền Lê (thế kỷ X-XI), rồi phát triển mạnh vào thời Hậu Lê (thế kỷ XV). Nghề dệt chiếu Hới thịnh đạt lúc bấy giờ là nhờ công lao của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ – Ông người làng Hải Triều, huyện Ngự Thiêm, phủ Tân Hưng (nay là huyện Hưng Hà). Ông thi đỗ Trạng nguyên khoa thi Tân Sửu, niêu hiệu Hồng Đức năm thứ 12 làm quan tới chức Thượng thư. Khi ông lớn lên, làng Hới đã có nghề dệt chiếu từ lâu. Nhưng chiếu dệt khung đứng, không có ngựa đỡ sợi nên chiếu không đẹp. Đi sứ sang Trung Quốc, khi qua vùng Ngọc Hà, Châu Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Phạm Đôn Lễ đã tìm hiểu và học được bí quyết kỹ thuật dệt chiếu của người Trung Quốc. Đó là kỹ thuật dệt khung nằm, có ngựa đỡ sợi dọc, làm cho sợi đay căng, chao cói nhanh hơn và chiếu đẹp hơn. Ông đã phổ biến kinh nghiệm và kỹ thuật dệt mới cho nhân dân. Ông cho cải tiến khung dệt. Nhờ vậy, chiếu Hới đẹp hơn và nổi tiếng từ đó. Dân làng tôn ông là ông Tổ nghề dệt chiếu, gọi ông là ‘Trạng Chiếu’ và lập đền thờ sau khi ông mất; đền thờ Phạm Trạng Nguyên.
Thời đó sản phẩm chiếu dệt thủ công của làng Hới là niềm tự hào của người dân nơi đây, với câu phương ngôn: ‘Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới’. Bởi chiếu Hới không chỉ đẹp, bền mà còn có thể dùng đắp thay chăn, vào mùa đông. Nhưng cũng khác với nhiều làng nghề Việt Nam, ở Hới chưa có gia đình nào thoát ly hẳn sản xuất nông nghiệp. Người ta vừa dệt chiếu vừa làm nông nghiệp.



LÀNG DỆT CHIẾU THỜI CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG
Bước vào thời kỳ cơ chế thị trường nhiều người lo ngại nghề dệt chiếu Tân Lễ sẽ mai một như làng nghề đúc đồng An Lộng (huyện Quỳnh Phụ) song chiếu Hới vẫn đứng vững và ngày một khẳng định thương hiệu của mình. Sản phẩm làm ra được xuất đi khắp các tỉnh trong cả nước. Sản xuất mang tính chuyên nghiệp hơn. Nhiều doanh nghiệp được thành lập chuyên đứng ra thu mua nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho người dân, chợ chiếu được xây dựng và hoạt động vào các ngày mồng 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch hàng tháng. Từ chợ chiếu các lái buôn gom hàng lại và đưa các nới tiêu thụ.
Theo thống kê, nghề dệt chiếu Tân Lễ hàng năm tiêu thụ hơn 8.000 tấn cói và hàng trăm tấn đay. Thế nhưng hiện nay các vùng trống cói xung quanh đã bỏ nghề, thành thử cói phải chở từ trong Nam ra. Làng hiện có 6 đại lý lớn bao trọn việc cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm cho cả làng. Số chiếu tiêu thụ trực tiếp tại địa phương không đáng là bao. Phần lớn chiếu được các đại lý thu gom, phân phối đi khắp các vùng trong cả nước.
Công đoạn in chiếu

Hiện nay, nghề dệt chiếu ở làng Hới đã phát triển ra toàn xã và nhiều xã trong vùng. Ông Trần Trọng Hán- Chủ tịch UBND xã Tân Lễ cho biết: Xã Tân Lễ có 3.105 hộ, thì có tới trên 95% hộ làm nghề dệt chiếu, một năm dệt được khoảng 4 triệu chiếc chiếu, doanh thu gần 36 tỷ đồng. Chiếu Tân Lễ có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước. Tiền công dệt một chiếc chiếu trung bình 2.000 đến 3.000 đồng. Một lao động mỗi ngày dệt được khoảng 5 -6 chiếc.
Nghề chiếu Tân Lễ ít thải ra những chất gây ô nhiễm môi trường. Chỉ có 10 hộ trong làng làm việc nhuộm, in chiếu có dùng đến hóa chất song họ đều xử lý chất thi một cách nghiêm túc, vì vậy làng nghề Tân Lễ tránh được sự ô nhiễm mà nhiều làng nghề khác mắc phải.
Chiếu Hới bây giờ vẫn được ưa chuộng ở nhiều nơi. Ông Trần Nho Đề – Chủ nhiệm HTX Tân Lễ cho biết, hiện xã đang tìm kiếm mở rộng thị trường ra quốc tế. Vừa qua, đã có một vài doanh nghiệp xuất được một vài lô hàng sang Trung Quốc, mở ra hướng phát triển mới cho làng nghề./.
Nguồn: báo Thái Bình, HuynhICT.CF
Share:

Sunday, October 18, 2015

Làm giàu từ mô hình trang trại

Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Vũ Văn Bề ở thôn Hải Triều, xã Tân Lễ (Hưng Hà) vẫn tích cực lao động, tăng gia sản xuất, chăn nuôi, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trang trại của ông Vũ Văn Bề
Tham gia quân ngũ năm 1974, đến năm 1979 ông Bề xuất ngũ trở về quê hương. Quanh năm gắn bó với ruộng đồng và chăn nuôi nhỏ lẻ, không có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Là trụ cột trong gia đình, với quyết tâm thoát khỏi cái khó, cái nghèo, năm 2008 ông mạnh dạn đấu thầu 24.000m2 đất chua trũng để xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp, đồng thời dốc toàn bộ sức người, sức của vào việc đào ao, thả cá, nuôi gà, vịt, lợn. Tuy nhiên, năm 2012, đàn vịt trong trang trại của ông bị nhiễm dịch cúm, thiệt hại khoảng 80 triệu đồng. Vốn vẫn chưa thu hồi hết mà thiệt hại lại quá lớn song điều đó không làm ông nản lòng.
Quyết tâm vượt qua khó khăn, ông tìm đến nhiều mô hình trang trại trong và ngoài tỉnh để tìm hiểu cách làm, cách nuôi, chăm sóc và ứng phó với những tình huống xấu phát sinh. Bên cạnh đó, thay vì tự làm, tự rút kinh nghiệm như thời gian trước, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức; chủ động nắm bắt, mở mang kiến thức để áp dụng trong sản xuất, chăn nuôi; thường xuyên theo dõi thông tin, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức qua báo, đài. Sau khi nắm vững kiến thức khoa học, hiểu về quy trình chăm sóc, phòng tránh dịch bệnh cho vật nuôi, ông đã thay đổi mô hình chăn nuôi, áp dụng những điều đã học được vào trang trại của mình. Ông Bề cho biết: Tôi tập trung đầu tư vào nuôi cá kết hợp với nuôi lợn, vịt thịt và trồng nhiều loại cây cảnh, cây lấy gỗ, cây ăn quả cũng như nhiều loại rau màu khác nhau.
Trên diện tích 24.000m2, ông Bề đầu tư đào 23.000m2 ao, chia thành 2 ao lớn để nuôi các loại cá truyền thống như trắm, trôi, rô phi, mè, chép và cá chim trắng. Một năm đánh bắt cá một lần, thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng, trừ chi phí cho thu lãi khoảng 70 - 80 triệu đồng. Diện tích còn lại, ông đầu tư xây dựng chuồng nuôi 2 lợn nái và từ 30 - 35 lợn thịt. Tận dụng diện tích mặt nước của ao cá, ông nuôi kết hợp 500 con vịt thịt. Từ chăn nuôi lợn và vịt thịt cho gia đình ông thu lãi trên 70 triệu đồng/năm. Không để trống một diện tích đất nào, ông trồng kết hợp nhiều loại cây khác nhau, từ cây cảnh, cây lấy gỗ, cây ăn quả đến các loại rau màu. Cũng bởi vậy mà trang trại của ông lúc nào cũng rợp bóng mát cây xanh, không khí luôn trong lành, thoáng đãng. Tổng doanh thu từ trang trại của ông Bề đạt gần 500 triệu đồng/năm.
Ngoài công việc trong trang trại của gia đình, ông Bề còn rất tích cực tham gia các phong trào của Hội Nông dân xã, thường xuyên giúp đỡ những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; chia sẻ, động viên con cháu cùng phát huy trí tuệ, sức khỏe để góp phần làm giàu cho gia đình, cho quê hương. 
      Phạm Hu
ế
Share:

Wednesday, March 18, 2015

Tân Lễ mở rộng diện tích cây đậu tương trên đất hai lúa

Những năm qua, xã Tân Lễ luôn là địa phương dẫn đầu huyện Hưng Hà trong phong trào phát triển cây vụ đông, nhất là cây vụ đông trên đất hai lúa.
Người dân thôn Hà Tân (xã Tân Lễ) chăm sóc cây đậu tương trên đất hai lúa.

Vụ đông năm nay, Tân Lễ phấn đấu gieo trồng 346ha cây màu các loại (chiếm 95% diện tích đất canh tác). Đến thời điểm này, toàn xã đã gieo trồng được 275ha (đạt 76% kế hoạch), chủ lực là đậu tương, ngô nếp, ngô tẻ, khoai tây, rau màu các loại... Hiện, toàn bộ diện tích cây vụ đông của Tân Lễ đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển tốt. Riêng cây đậu tương trên đất hai lúa, xã mở rộng được gần 80ha. Theo nhiều nông dân, trồng đậu tương trên đất hai lúa là kiểu “làm chơi, ăn thật”, cho hiệu quả kinh tế cao bởi trồng đậu tương không đòi hỏi kỹ thuật cao, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn. Nếu tính từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ khoảng 80 - 90 ngày. Ngoài ra, cây đậu tương có vai trò cải tạo, làm tăng độ phì nhiêu của đất, những diện tích sau khi trồng đậu tương chuyển sang cấy lúa đều cho năng suất cao hơn.

 Ông Trần Ngọc Võ, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Tân Lễ cho biết: Trước kia, bà con trong xã thường trồng các giống đậu tương truyền thống nên năng suất thấp, chất lượng không cao. Những năm gần đây, HTX đã vận động bà con trồng thử nghiệm các giống đậu tương mới như: ĐT12, ĐT84, ĐT26 cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Vụ đông năm nay, giống đậu tương ĐT12 được trồng nhiều trên đất hai lúa ở Tân Lễ. Đây là giống có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thích hợp với các vùng đất khô hạn, có thể trồng được 3 vụ/năm. Nếu được chăm bón tốt, năng suất bình quân đạt khoảng 60 - 70kg/sào, thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 75 - 80 ngày. Để khuyến khích người dân mở rộng diện tích, HTX chuẩn bị tốt các khâu dịch vụ, cung cấp các loại giống, thuốc trừ sâu và vật tư nông nghiệp cho người dân; thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con. Để người dân yên tâm sản xuất, HTX còn chủ động liên hệ với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Hưng Yên để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm ngô và đậu tương.

Bà Trần Thị Hồng ở thôn Hà Tân cho biết: Thực tế sản xuất cho thấy, đậu tương là giống cây dễ trồng, thích hợp trên nhiều loại đất, chi phí thấp, tốn ít công lao động, ngoài ra còn có tác dụng cải tạo đất nên được đông đảo người dân trong xã lựa chọn trồng trên đất hai lúa. Những năm qua, vụ đông luôn mang lại hiệu quả kinh tế cao nên vụ mùa tôi chủ động làm sớm và cấy giống lúa ngắn ngày cho kịp thời vụ, tạo quỹ đất để trồng cây vụ đông. Vụ đông năm nay, gia đình tôi gieo trồng 3,5 sào đậu tương giống ĐT12 trên đất hai lúa, hiện nay đậu tương đang trong giai đoạn ra quả non, nếu thời tiết thuận lợi đến ngày 15/12 sẽ được thu hoạch; dự kiến năng suất bình quân đạt 60 - 70kg/sào, sau khi trừ chi phí mỗi sào cho thu lãi trên 1 triệu đồng.

Vụ đông luôn được Tân Lễ xác định là vụ sản xuất chính trong năm nên cấp ủy, chính quyền xã đã nhất quán quan điểm chỉ đạo duy trì cây màu truyền thống, tích cực chuyển đổi, đưa các cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất trên đất chuyên màu và đẩy mạnh thâm canh trên đất hai lúa.

Phạm Hưng
Share:

Tuesday, March 18, 2014

Bỏng ngô ở Tân Lễ

Phần giới thiệu:

Nông thôn thiếu thốn, quà cho trẻ con đôi khi chỉ là cái kẹo bột, gói bỏng ngô, bỏng gạo. Trẻ con thành phố ít có cơ hội biết đến món quà ngon này nên chẳng hiểu được cái cảm giác tranh nhau đến vỡ vụn ống bỏng vừa nổ xong giòn rụm…
Máy nổ bỏng ngô và máy nghiền bột
Bỏng gạo là “quà đặc biệt” của trẻ con nông thôn Việt Nam. Đặc biệt, bởi nó ít khi bán sẵn ở các chợ, người muốn có bỏng ăn phải mang gạo, mang đường xuống máy nổ của một nhà trong làng rồi đợi nổ xong.
Thông thường, tối tối mùa hè, việc nhà xong xuôi, trẻ con lại năn nỉ mẹ gói cho bò gạo, ít đậu xanh, lạc khô vào cái túi, í ới gọi thêm dăm đứa trẻ trong làng cùng đi nổ bỏng. Nổ được cả bao tải bỏng, mất đâu có mấy nghìn lẻ, lại có cái ăn vui miệng cả nhà nên người lớn hay chiều trẻ con món quà quê dân dã này.
Làm bỏng gạo đơn giản. Cần gạo tẻ, đường trắng, một ít đậu xanh, lạc khô. Người nổ bỏng đổ hết nguyên liệu vào một đầu của máy, cái máy tự xay đều, trộn đều với nước, rồi đầu kia tự khắc có bỏng gạo đẩy ra. Những cái bỏng gạo làm ra dài, hình ống, nhưng cái thẳng cái cong. Bỏng gạo màu trắng tinh nõn nà, giòn khầng khậc, ăn vào thơm ngon, thấy cả mùi của gạo, lạc, đỗ xanh bùi bùi ngậy ngậy. Vài nhà làm bỏng có phẩm màu thực phẩm còn cho thêm chút ít vào, cái bỏng đẩy ra lúc xanh, lúc hồng khiến trẻ con sung sướng tranh nhau.
Bỏng gạo ngày hôm nay vẫn giòn thơm nhưng không còn “vị đặc biệt” khi tự tay mang gạo đi nổ bỏng.
Nổ 3 bò gạo, chút xíu đường, lạc, có khi được cả bao tải bỏng, vì thứ quà này lồng khồng, nhẹ bẫng. Bỏng gạo nổ ra, còn ấm, bọc thật kín trong bao cho nó luôn giòn. Mang bao bỏng về tới hiên nhà, trẻ con đã chờ sẵn để nhón lấy những ống bỏng dài, hít hà, rồi cắn, ngon miệng vui tai.
Những năm tháng thiếu thốn của nông thôn, bỏng gạo là thứ bánh không thể thiếu của con trẻ ngày rằm tháng 8. Trước rằm cả nửa tháng, trẻ con đã giục bố mẹ đong gạo từ sớm để xếp hàng đi nổ bỏng, mỗi đứa trẻ khi chở trên xe đạp về nhà một bao bỏng thì hân hoan như đã làm xong một chiến công. Mâm cỗ trung thu giản đơn, toàn quà quê, mía, bưởi, chuối, bánh kẹo ít, bỏng gạo mới nổ xong được trẻ con sung sướng đón nhận, ăn, rồi ôm cả vào áo mang về.
Công đoạn nổ ngô
Đã qua rất lâu cái thời trẻ con ríu rít rủ nhau đi nổ bỏng, cũng qua rất lâu cái ngày mâm cỗ trông trăng chỉ có bỏng gạo và cây trái vườn nhà nhưng trẻ con đón đợi, trông chờ. Tôi trở lại quê ngoại nhiều lần, những nhà có máy nổ bỏng đã thưa, cũng ít thấy món quà quê này được các cháu ở đây thích thú.

Thi thoảng bắt gặp trên phố phường Hà Nội một gánh bỏng của cô hàng xén từ nông thôn lên, có đủ bỏng gạo, nẻ, bỏng ngô, đậu tương rang, lạc rang. Những gói bỏng gạo đúc thành ống tròn trịa, đẹp mắt, gói trong túi nilon lịch sự, cô hàng xén nói trẻ con thành phố ít mua, còn khách nước ngoài hay thích quà quê Việt Nam…
Nhớ thương bỏng gạo của những ngày thơ bé!
Trên đây là bài viết giới thiệu về món bỏng ngô. Để tìm hiểu thông tin thêm hoặc có nhu cầu bạn hãy xem tại phần bên dưới:

Tìm hiểu thêm về các công đoạn để bỏng ngô:

Để có một món ăn bỏng ngô vừa thơm, giòn, ngon. Các bạn hãy làm theo hướng dẫn:
Điều đầu tiên dựa vào sở thích của bạn. Hãy tự trả lời câu hỏi sau:

*Bạn thích ăn gậy hay hạt?

Ưu nhược điểm:
  • Gậy: thành que dài, dễ cầm. Nếu là trẻ em rất thích bởi có thể làm súng vừa bắn vừa ăn :D, nhưng bị dát mồm nếu ăn nhiều.
  • Hạt: Bỏ vô mồm, nhai rất dễ, (không bị dát mồm khi nhai nhiều)
Tuy thế nhưng cả hai đều có hương vị như nhau cả thôi vì cùng một khuôn ra mà. Vậy các bạn hãy để khi đến nhà nổ ngô lựa chọn cũng được. Như vậy bác sẽ đỡ vất vả hơn!
Công thức pha trộn để có một món bỏng ngô ngon đó là:
(tỉ lệ 100%): gạo 50%, ngô 20%, đỗ xanh 10%, Mì tôm 10%, đường 10%. Các bạn hãy mang đến nhà nổ bỏng kèm theo một cái bao để đựng nhé. Tùy ít, hay nhiều mà mang số lượng bao cho hợp lý, nếu thừa là không có cái đựng đâu. Khi mang đến nhà nổ ngô, các bạn nhớ đổ gạo ra thau trộn tất cả mọi thứ vào với nhau, nếu có mì tôm thì bóp hoặc đập nhỏ và nhớ phải nhỏ kèm theo một chút nước để cho ngấm đều đường và gạo. Cuối cùng chỉ việc đợi các bác nổ bỏng nổ cho thôi. Tất cả chỉ có thế!
(Bật mí: ngày xưa nổ bỏng ngô cũng được gọi là nổ phòng phành đấy nên đừng thắc mắc nhé)
Bỏng gậy
hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa cho sản phẩm :)

Để có một món bỏng ngô ngon và hấp dẫn:

Các bạn có thể đến địa chỉ được đánh dấu tại Map này:
Đ/c: Nhà bác Bàn Vuốt – Đội 14, thôn Thanh Triều, xã Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình.
Biển hiệu đặt trước cửa nhà thường ngày.

Dịch vụ khác – thông tin cần biết:

  • Nghiền bột loại nhỏ mịn dành cho trẻ, đỗ uống, làm tương… tính theo kilogram giống nổ ngô: giá 5000vnđ /1kg.
  • Cắt tóc, lấy ráy tai tại nhà: giá 20.000 vnđ/1 người.

Chúc các bạn vui vẻ!

Share:

Monday, March 18, 2013

Vững chãi “cây cổ thụ” làng nghề

Vào những ngày cuối năm, không khí ở các làng nghề dệt khăn truyền thống ở Thái Phương, dệt chiếu cói ở Tân Lễ, Thị trấn Hưng Nhân lại nhộn nhịp như xưa. Các làng nghề dệt may ở Hưng Hà đã trải qua một năm có nhiều biến cố, âu cũng là lẽ thường tình của quy luật cung, cầu.
In hoa văn trên sản phẩm chiếu cói truyền thống ở xã Tân Lễ (Hưng Hà). Ảnh: Ngọc Linh
In hoa văn trên sản phẩm chiếu cói truyền thống ở xã Tân Lễ (Hưng Hà). Ảnh: Ngọc Linh
Năm 2012, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ sản xuất ở hầu hết các địa phương trong tỉnh bị bao trùm bởi sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, trong nước lạm phát cao, bất ổn của nền kinh tế vĩ mô. Do đó, một số doanh nghiệp đã phải giải thể, ngừng sản xuất; những doanh nghiệp, hộ sản xuất trụ được cũng giảm năng lực sản xuất và doanh thu… Trong bối cảnh chung ấy, một số doanh nghiệp, làng nghề ở Hưng Hà cũng bị ảnh hưởng khá nặng nề, sản phẩm làm ra khó bán, tiêu thụ chậm, lao động có ít việc làm. Song, Hưng Hà có các làng nghề truyền thống hàng trăm năm nay, như cây cổ thụ bám sâu vào lòng đất mẹ đã nhanh chóng vươn lên phục hồi sản xuất, trụ vững trước những bất ổn của thị trường, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng CN-TTCN của huyện. Tổng giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 1.812,2 tỷ đồng, tăng 8,79% so với năm 2011.
Hình ảnh một số làng nghề dệt khăn ở Hưng Hà khi chúng tôi về trong những tháng đầu năm 2012 vẫn còn in đậm, bóng dáng công nhân trong các công ty, xí nghiệp chỉ còn lác đác, những chiếc máy dệt nằm im ỉm… Ông Hoàng Minh Chính, Trưởng phòng Công thương lúc đó lo lắng tâm sự: Hàng dệt may cơ bản phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, trong khi đó các nước đang rơi vào thời kỳ suy thoái và khủng hoảng nợ công tràn lan nên xuất khẩu đã giảm mạnh, khoảng 21% so với những tháng đầu năm 2011; trong khi đó các doanh nghiệp dệt may chủ yếu là nhỏ và vừa nên rất khó khăn trong việc khai thác thị trường xuất khẩu mới, thị trường truyền thống thì đơn đặt hàng giảm, do đó đã tồn kho trên 2.500 tấn khăn, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của các làng nghề.
Ðặc biệt, giá trị sản xuất ngành dệt may của Hưng Hà luôn chiếm 50% giá trị sản xuất CN-TTCN trong toàn huyện, do đó đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung. Cũng trong dịp này, chúng tôi được ông Trần Viết Chính, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT mời dự cuộc họp tháo gỡ vốn vay cho các doanh nghiệp dệt may. Tại đây, nhiều vấn đề được các chủ doanh nghiệp dãi bày và kiến nghị về giảm lãi suất, gia hạn thời gian vay. Theo các doanh nghiệp thì các tháng đầu năm việc xuất khẩu hàng dệt may giảm từ 40 - 50% sản lượng; đồng thời giá cũng giảm mạnh, từ 6 USD/ kg khăn xuống còn 3,8 – 4 USD/kg. Các doanh nghiệp chủ yếu mới thành lập nên năng lực cạnh tranh thấp, ít vốn, chưa có khả năng ra nước ngoài tìm kiếm thị trường; trong khi đó vẫn phải duy trì sản xuất để bảo đảm việc làm cho người lao động, cũng như giữ chân họ gắn bó với công ty.
Vì vậy, việc cứu vãn 54 doanh nghiệp dệt may trong huyện đã đặt lên vai các cấp ủy, chính quyền và một số ngành liên quan như ngân hàng, thuế. Qua đây không chỉ giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của huyện mà còn duy trì, phát triển các làng nghề đã có hàng trăm năm nay. Theo đó, Hưng Hà đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất thông qua một số cơ chế chính sách hỗ trợ mua máy dệt khăn mới; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc xét duyệt dự án thành lập các doanh nghiệp mới để làm đầu tầu dẫn dắt cho các làng nghề phát triển... Ðặc biệt, trong buổi thảo luận với các doanh nghiệp về những khó khăn vướng mắc, ông Trần Viết Chính, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT đã thông báo quyết định giảm lãi suất tiền vay của các đơn vị dệt may bắt đầu từ tháng 7 đến 25/12/2012, từ 13%/ năm xuống 11%/ năm.
Nhờ có sự vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành và nỗ lực của những người yêu nghề, cùng các doanh nghiệp đã vươn lên tiếp tục duy trì sản xuất có hiệu quả. Các hộ dân, doanh nghiệp đã tiếp tục đầu tư máy móc, chấn chỉnh lại sản xuất, do đó 44 làng nghề và 4 xã nghề vẫn giữ vững tiêu chí được UBND tỉnh công nhận trước đó. Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện Hưng Hà có 5.208 máy dệt khăn, tăng 227 máy; máy dệt chiếu cói nilon 231 máy, tăng 83 máy so với năm 2011. Tổng giá trị sản xuất của các làng nghề đạt 1.332,36 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 9,3% so với năm 2011. Cùng với các làng nghề truyền thống, một số nghề mới du nhập về cũng phát triển khá ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao, như nghề sản xuất men rượu, men vi sinh, bánh mứt kẹo doanh thu bình quân đạt 10 – 15 tỷ đồng/ 1 cơ sở.
Ngoài ra, năm 2012 Hưng Hà còn tiếp nhận thêm 12 dự án đầu tư vào huyện, với tổng số vốn đăng ký 66,4 tỷ đồng; trong đó 8 dự án đang hoàn thiện hồ sơ thuê đất và san lấp mặt bằng, 4 dự án đã đi vào hoạt động. Nhìn chung các doanh nghiệp và làng nghề ở Hưng Hà có sự gắn bó mật thiết với nhau, bởi những doanh nghiệp dệt may chủ yếu từ hộ sản xuất đi lên. Chính vì vậy, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào thì việc gắn bó không bị tách rời, tạo thành một khối thống nhất để duy trì và phát triển nghề và làng nghề thêm bền vững.
Vào những ngày cuối năm, không khí ở các làng nghề dệt khăn truyền thống ở Thái Phương, dệt chiếu cói ở Tân Lễ, Thị trấn Hưng Nhân lại nhộn nhịp như xưa. Các làng nghề dệt may ở Hưng Hà đã trải qua một năm có nhiều biến cố, âu cũng là lẽ thường tình của quy luật cung, cầu. Cái chính là những người con của làng nghề đã không nản chí trước khó khăn, vẫn bám nghề và tìm giải pháp vươn lên để nghề truyền thống của ông cha tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao cuộc sống, làm giàu cho quê hương.
Nguyên Bình
Nguồn tin: http://baothaibinh.com.vn
Share:

Monday, March 14, 2011

Thông tin chung về xã Tân Lễ

Tân Lễ là xã cực Tây Bắc của huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình Việt Nam.

VỊ TRÍ

Cầu Triều Dương bắc qua sông Luộc
Tân Lễ nằm ở ngã ba sông Luộc và sông Hồng (tên gọi cổ của ngã ba này là cửa Tuần Vườn), giáp ranh với tỉnh Hưng Yên (ranh giới là sông Luộc) và Hà Nam (ranh giới là sông Hồng), là xã đầu tỉnh ở phía tây bắc của tỉnh Thái Bình. Phía Nam và Đông Nam Tân Lễ giáp xã Phú Sơn (tức là thị trấn Hưng Nhân hiện nay), phía Đông là xã Canh Tân, là các xã cùng huyện. Phía Bắc giáp các xã Đức Thắng, Hải Triều, Thiện Phiến của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, phía Tây Bắc và Tây là các xã Thủ Sĩ, Tân Hưng của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên. Phía Tây Nam, Tân Lễ giáp xã Chân Lý huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Tân Lễ có quốc lộ 39 chạy ngang qua, với Cầu Triều Dương bắc qua sông Luộc nối Thái Bình với Hưng Yên.
Vào cuối thế kỷ 19, phần đất xã Tân Lễ ngày nay, là các làng (thời đó gọi là xã) Hải Triều (tên nôm là Hới), Thanh Triều, Hà Xá (nay là thôn Tân Hà),… thuộc tổng Thanh Triều huyện Hưng Nhân phủ Tiên Hưng trấn Sơn Nam Hạ.

LỊCH SỬ TÊN GỌI

Căn cứ vào quyết định số 214-CP ngày 21-11-1970 của Hội đồng Chính phủ ủy nhiệm cho Phủ thủ tướng phê chuẩn việc phân vạch địa giới có liên quan đến các đơn vị hành chính xã và thị trấn.
Ngày 23 tháng 2 năm 1977, hợp nhất 2 xã Phạm Lễ và xã Tân Mỹ thành xã Tân Lễ, tên Tân Lễ được ghép từ chữ Tân (trong từ Tân Mỹ) và Lễ (trong từ Phạm Lễ).

LỄ HỘI

Hội làng Hới (Hội chiếu): Hàng năm, ngày 06/01 âm lịch tại đình làng Hới (thờ trạng nguyên Phạm Đôn Lễ), diễn ra lễ hội

Làng Hới, lịch sử ghi chép rằng Khi “Trạng chiếu” mất, người dân lập đền thờ gọi là đền Quan Trạng, quanh năm hương khói. Lễ hội tưởng nhớ đến công ơn của Quan Trạng, tương truyền đó là ngày Phạm Đôn Lễ mất. Trong lễ hội, ngoài phần lễ nghi, người ta còn tổ chức hội thi dệt chiếu rất sôi nổi thu hút dân trong vùng và khách thập phương đến tham dự. ngoài ra còn có thêm nhiều các trò chơi dân gian như leo cây chuối, đi cầu kiều, bắt vịt dưới ao và xem trèo thuyền, xem các màn rước lễ từ các thôn trong xã đến….
Đình làng Hới (thờ Phạm Đôn Lễ)
Lễ hội làng Hới bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu “Trạng chiếu”. Từ sáng sớm ban khánh tiết và những người có trách nhiệm đã tề tựu đông đủ để làm lễ rước. Đám rước diễn ra rất long trọng với đầy đủ cờ xí, chấp kích, bát bửu, chiêng trống, kiệu thánh, dàn bát âm… Dân làng theo đám rước rất đông. Lễ rước thể hiện lòng biết ơn của dân làng đối với “ông tổ nghề” cũng như lòng yêu mến đối với người con hiếu thảo của quê hương.
Hội làng Phú Hà: hàng năm tại đền Phú Hà nhân dân tổ chức lễ hội từ ngày 10/3 đến 15/3 âm lịch. Đây là dịp giỗ tổ Hùng Vương, nhân dân mở hội để tưởng nhớ tổ tiên mình, vừa để ghi nhớ người có công với dân làng.
Về sau do điều kiện kinh tế cũng để phù hợp với đời sống mới, mỗi năm nhân dân Phú Hà chỉ tổ chức lễ hội vào một ngày 10/3 với nghi thức chính là lễ rước nước.
Phần lễ: Trước đây vào ngày này dân làng dùng lễ Tam sinh, ngày nay lễ vật thờ được đơn giản thuận tiện gồm: xôi, rượu, thịt gà, thịt lợn, hoa quả, tiền vàng, hương nến. Khi lễ vật đã được chuẩn bị xong có một đội tế lễ vào bái thần, xin phép thánh mẫu, các vị tôn ông cùng các vị thần cho nhân dân được rước kiệu. chĩnh nước ngã ba Sông Luộc lấy nước mới về thờ (được gọi là nghi lễ rước nước). Tiếp đó các dòng họ trong làng cùng con cháu làm lễ dâng hương vào đền. Khi dâng hương xong, ban quản lý đền tập trung toàn bộ dân làng để bắt đầu nghi thức ra sông lấy nước. Đi đầu là đội múa lân, cờ quạt, võng lọng, tiếp là đội khiêng khám thờ. Làng cử những người đàn ông có uy tín để mặc áo quan tay vái đi trước khám thờ, đi kiểu ngược lùi cùng đội khiêng khám ra sông. Có một cô đầu cùng đội khiêng bàn có chĩnh nước cũ lấy từ năm ngoái đi theo đội khiêng khám ra sông. Cuối là đội cầm bát bửu, chấp kích cùng toàn thể dân làng. Ra tới ngã ba sông có hai chiếc thuyền rồng chờ sẵn ở đó. Đội khiêng khám xuống một thuyền, cô đầu với đội khiêng chĩnh nước xuống một thuyền. Tất cả đi ra giữa sông thì đốt hương khấn vái, xin phép thần sông cho lấy nước mới vào chĩnh. Lấy xong phân phát lộc rải ngay trên sông. Xong thì các thuyền lại quay về đền đưa chĩnh nước mới vào thờ. Nhân dân rước nước mới vào đền thờ, cầu xin thần phù hộ cho dân làng năm mới an lành, mùa màng bộ thu.
Phần hội: Khi nghi thức rước nước đã xong, nhân dân lại tập trung ở đền, cùng nhau tổ chức, vui chơi các trò chơi dân gian tại đền như: Đi cầu kiều,chọi gà, chơi cờ, kéo co, múa kỳ lân sư tử… Buổi chiều đó thì nhân dân cùng nhau khiêng khám thờ, bát bửu, chấp kích, võng lọng đi quanh làng. Đi tới đâu đội múa kỳ lân, võng lọng trống vang lừng tới đó. Nhân dân theo sau ai cũng vui mừng hớn hở. Ngày này mọi người trong làng đều ra đền dâng hương, cầu xin thánh mẫu phù hộ mọi điều may mắn cho con cháu.

LÀNG NGHỀ VÀ DANH NHÂN

 Làng Hải Triều (tức làng Hới) là một làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghề làm chiếu Hới. Chiếu Hới còn gọi là chiếu Hưng Nhân theo tên huyện cũ, là chiếu Hưng Hà theo tên huyện mới. sản phẩm chiếu dệt thủ công của làng Hới từ lâu đã trở thành một sản phẩm tiêu biểu không chỉ của một địa
Sân chơi văn hóa làng
phương nhỏ, mà của cả một tỉnh nông nghiệp loại lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ và lưu vực sông Hồng. Nghề dệt chiếu Hới thịnh đạt lúc bấy giờ là nhờ công lao của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Khi ông lớn lên, làng Hới đã có nghề dệt chiếu từ lâu. Nhưng chiếu dệt khung đứng, không có ngựa đỡ sợi nên chiếu không đẹp. Đi sứ sang Trung Quốc, khi qua vùng Ngọc Hà, Châu Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Phạm Đôn Lễ đã tìm hiểu và học được bí quyết kỹ thuật dệt chiếu của người Trung Quốc. Đó là kỹ thuật dệt khung nằm, có ngựa đỡ sợi dọc, làm cho sợi đay căng, chao cói nhanh hơn và chiếu đẹp hơn. Ông đã phổ biến kinh nghiệm và kỹ thuật dệt mới cho nhân dân.
Video giới thiệu nghề dệt chiếu Hới
Hiện nay Chiếu Hới có nhiều loại: chiếu cài hoa, chiếu trơn, chiếu cạp điều, chiếu đót…, nhưng chiếu gon là loại chiếu đặc biệt nhất. Qua thống kê năm 2008, toàn xã có 23 ngành nghề, tổng thu nhập ngành nghề và dịch vụ là 145.550,6 triệu. Trong đó công nghiệp là 106.748 triệu, dịch vụ đạt 38.802,6 triệu. Toàn xã có 10/14 thôn đã được Chủ tịch UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề. Tác động của làng nghề đến sự phát triển kinh tế của địa phương là rất lớn, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong lúc nông nhàn. Lao động trong khu vực dân cư được sắp xếp theo quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Đã xuất hiện các mô hình hộ gia đình đầu tư vốn vào miền Nam mua cói ra kinh doanh bán cho các hộ chuyên dệt chiếu. Hiện toàn xã có 62 hộ lắp đặt gần 100 máy dệt chiếu, mỗi năm đưa ra thị trường tiêu thụ từ 38 – 42 triệu lá chiếu.
tượng bà Nguyễn Thị Lộ ở Hải Triều

Hải Triều là quê hương của những danh nhân Nguyễn Thị Lộ (vợ Nguyễn Trãi, nên duyên với Nguyễn Trãi nhờ đi bán chiếu tại Thăng Long) và trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (Trạng Chiếu).


DANH SÁCH CÁC THÔN TRONG XÃ:

Thanh Triều, Hải Triều, Bùi Xá, Quan Khê, Lão Khê, Xuân Hải, Hà Xá, Hà Tân, Tân Hà, Phú Hà, An Tập, Tân Ấp.


BÀI NÀY DO MÌNH ĐÓNG GÓP THÊM TRÊN WIKIPEDIA. CÓ GÌ SAI SÓT CÁC BẠN CÓ THỂ VÀO ĐÂY ĐỂ SỬA HOẶC BÌNH LUẬN DƯỚI CHO MÌNH SỬA. CÁM ƠN CÁC BẠN.

Share:

Thursday, March 18, 2010

Cây cam trên đất lúa

Lúa “nhường” cam
Trước đây, cơ cấu sản xuất của bà con xã Tân Lễ chỉ có 2 vụ lúa /năm. Nhờ đầu tư thâm canh nên năng suất lúa đạt cao, nhưng điều đó cũng không giúp bà con vươn lên làm giàu. Từ khi HLV tỉnh Thái Bình triển khai dự án trồng cam trên đất lúa kém hiệu quả đã giúp nhiều hội viên và nông dân xã Tân Lễ có một cái nhìn mới, họ mạnh dạn đưa nhiều giống cây ăn quả có năng suất chất lượng cao vào trồng, thay thế cây tạp. Hai loại cây chủ lực là cam và bưởi đã “lấn” dần sang đất của lúa. ông Trần Trọng Hán, Chủ tịch UBND xã đưa Chủ tịch Trung ương HLV Việt Nam Nguyễn Ngọc Trìu và đoàn chúng tôi đến thăm 3 mô hình chuyển đất lúa sang trồng cam. Đây là mô hình của những hội viên đi tiên phong trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã. ông Trần Tiến Hoành mạnh dạn chuyển toàn bộ 3.600m2 đất lúa sang trồng 370 cây cam; ông Đỗ Khắc Cầm cũng có 8 sào chuyên trồng các loại cây có múi. Đặc biệt, phong trào làm VAC ở Tân Lễ còn phát triển mạnh trong các chùa và trường học. Nhà sư Thích Thanh Tâm, trụ trì chùa Hới đã vận động sư sãi và tăng ni, phật tử trồng được 770 cây cam và 50 cây bưởi Diễn, vừa tạo cảnh quan cho chùa, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhà chùa cũng đang sở hữu một “tài sản” vô giá, đó là cây nhãn đường phèn cổ thụ trên 100 năm tuổi. Năm nào cây cũng cho khoảng 4- 5 tạ quả, bán với giá 25.000 đồng /kg thu trên 10 triệu đồng /năm. Điều đặc biệt hơn là hạt nhãn rất nhỏ, một hạt có thể mọc thành 2 cây; long nhãn sáng và trong như gương. Hiện có nhiều người dân đến xin chiết cành về trồng, nhà chùa không lấy tiền.
Tuy mới “làm quen” với cây trồng mới nhưng cách làm của bà con Tân Lễ rất bài bản và khoa học. Giống cam trồng ở đây đều được lấy từ các cơ sở sản xuất giống có chứng chỉ chất lượng sạch bệnh và trồng theo quy trình thống nhất. Cán bộ kỹ thuật của HLV Thái Bình được coi là “bà đỡ” về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Nhờ vậy, sau gần 3 năm trồng, các vườn cam đều sinh trưởng, phát triển tốt và đã cho quả bói, mỗi cây có từ 30 – 60 quả. Vụ đầu tiên, ông Hoành đã thu được 50 triệu đồng từ 1 mẫu cam; nhờ chất lượng cam ngon, hình thức đẹp nên thu đến đâu ông bán hết đến đó.
Cây cam làm giàu
Có thể khẳng định, dự án của HLV Thái Bình đã mang lại sức sống mới cho vùng quê vốn rất yên ả, thanh bình Tân Lễ. Bà con ước tính, nếu độc canh cây lúa thì thu nhập cao nhất chỉ đạt 25 – 30 triệu đồng /ha/năm nhưng nếu đưa thêm cây cam vào cơ cấu sản xuất sẽ đạt 150 – 200 triệu đồng /ha/năm. Chính vì vậy, mặc dù dự án của Hội chỉ hỗ trợ cho 20 hộ dân trồng cam nhưng đến nay đã có hàng chục hộ ngoài dự án tình nguyện mua giống cam về trồng, “nhờ” cán bộ của Hội hướng dẫn kỹ thuật. Một vùng cam đang sinh sôi, nảy nở trên đất lúa, bà con đang hy vọng đây sẽ là bước đột phá để làm giàu.
Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng – vật nuôi nên diện mạo xã Tân Lễ đang thay đổi từng ngày, những con đường làng trải bê tông, ô tô vào đến tận ngõ. Theo tiêu chí cũ thì xã không còn hộ nghèo, còn theo tiêu chí mới tỷ lệ này chỉ là 3 – 4%. Tân Lễ cũng rất tự hào là quê hương của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, biết câu chuyện ứng thơ của bà với anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi. Hiện đền thờ bà đang được xây dựng trên quê hương Tân Lễ, hứa hẹn thu hút được nhiều du khách gần xa.
Share:

Phổ biến nhất

Bản đồ toàn xã

Fanpage on Facebook